Tin tổng hợp

CNQP&KT - Cộng hòa Pháp có nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) rất phát triển, có khả năng đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang về các loại vũ khí, trang bị quân sự hiện đại, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN

Chính sách phát triển CNQP của Pháp triển khai theo học thuyết được phản ánh trong Sách trắng về Quốc phòng và An ninh Quốc gia năm 2013 và Chương trình xây dựng và trang bị kỹ thuật của lực lượng vũ trang giai đoạn 2019-2025. Theo đó, chính sách này dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: Bảo vệ độc lập của người dân và lãnh thổ quốc gia; ngăn chặn bằng lực lượng hạt nhân; phản ứng nhanh chóng với tình hình địa chính trị và kinh tế đang thay đổi trên thế giới.

Trên thực tế, để đảm bảo “độc lập chiến lược” quốc gia, giới chức Pháp đã theo đuổi một lộ trình đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang chủ yếu dựa vào năng lực sản xuất quốc phòng. Tại Pháp, các tập đoàn lớn như: Airbus, Safran, Dassault Aviation, Nekster, Thales, Naval, Arkus... có hình thức sở hữu hỗn hợp với sự tham gia của nhà nước. Do đó, Chính phủ Pháp sở hữu cổ phần trong các tập đoàn này, có quyền tham gia vào các quyết định quan trọng về chiến lược và phủ quyết các quyết định đe dọa lợi ích quốc gia. Hầu hết các công ty vừa và nhỏ tham gia sản xuất vũ khí và trang - thiết bị quân sự đều thuộc sở hữu tư nhân. Theo thống kê, hiện Pháp có khoảng 5.000 doanh nghiệp quốc phòng, cung cấp hơn 400.000 việc làm (trong đó khoảng 165.000 lao động làm việc trong các công ty sản xuất vũ khí), đáp ứng 25% năng lực sản xuất vũ khí, trang bị của châu Âu. Các cơ sở sản xuất nằm ở những khu vực có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, nhịp độ sản xuất cao. Một phần ba số doanh nghiệp liên hợp công nghiệp - quân sự nằm ở thủ đô Paris và vùng lân cận, phần còn lại ở các vùng Alpes, Cote d’Azur, Brittany và Aquitaine.

Chính sách phát triển CNQP Pháp dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: Bảo vệ độc lập của người dân và lãnh thổ quốc gia; ngăn chặn bằng lực lượng hạt nhân; phản ứng nhanh chóng với tình hình địa chính trị và kinh tế trên thế giới.

Mặc dù nền CNQP Pháp được xác định có tính “độc lập chiến lược” cao, nhưng các cơ sở nghiên cứu và sản xuất hiện chưa hoàn thiện toàn bộ chu trình phát triển sản xuất vũ khí, trang - thiết bị quân sự hiện đại. Vì vậy, quốc gia này đang tham gia tích cực vào hợp tác công nghiệp - quân sự quốc tế với các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

NHỮNG LĨNH VỰC THẾ MẠNH

Công nghiệp tên lửa và vũ trụ

Đây là một trong những ngành chiến lược đảm bảo quốc phòng và an ninh, phát triển kinh tế của quốc gia, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh của Pháp trên thị trường thế giới. Đặc điểm nổi bật của lĩnh vực này đó là sự tập trung quản lý và kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu vũ trụ được giao cho Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) - cơ quan điều hành và điều phối chính của ngành tên lửa và vũ trụ.


Tên lửa mang đầu đạn nhiệt hạch M51.    Ảnh: Internet

Các nhà sản xuất vũ khí tên lửa hàng đầu là Airbus Defense and Space (công ty thành viên của Tập đoàn Airbus, chịu trách nhiệm về các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng và hàng không vũ trụ), Tập đoàn TDA Armenian (thuộc nghiệp đoàn Thales), MEDA-France, MBDA-Missile Systems và MBDA Corporation. Các cơ sở này sản xuất tên lửa mang đầu đạn nhiệt hạch M51, tên lửa mang - phóng Arian và Vega, tên lửa hành trình ASMP-A; tên lửa phòng không Skalp-EG, phòng không tầm xa và tầm trung Aster-30/15, tầm gần Mistral; tên lửa không đối không Mika, tên lửa bờ biển Skalp-N, tên lửa chống hạm Exocet; tên lửa chống tăng Milan và Erike; tên lửa không đối đất Akuleus LG (dẫn đường bằng laser, được thiết kế để trang bị cho trực thăng tấn công Tiger)... Việc chế tạo động cơ tên lửa được thực hiện bởi công ty Europropulson, Eracle của Tập đoàn Airbus Safran Launchers. Các cơ sở sản xuất này có khả năng sản xuất động cơ của thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình, tên lửa đẩy Ariane-5 và Ariane-6.

Hiện, Pháp đang phát triển hệ thống phóng từ máy bay trực thăng (ATAM) cho tên lửa Mistral 2 (hệ thống tên lửa không đối không đầu tiên đưa vào trang bị theo lựa chọn của Lục quân Pháp lắp trên máy bay trực thăng tấn công Tiger mới). Ứng dụng mới nhất của Mistral là hệ thống chiến đấu đa nhiệm (MPCS) được phát triển từ sự hợp tác giữa MBDA và Rheinmetall Defence Electronics (Đức). MPCS là một hệ thống tháp pháo hạng nhẹ, 1 người tích hợp lên một loạt các khung xe xích và xe bánh lốp để chống tăng, thiết giáp... Cấu hình cho vai trò phòng không gồm giá mang 2 tên lửa Mistral lắp 2 bên tháp pháo, trong khi tên lửa chống tăng có điều khiển MILAN-ER (phản ứng tăng cường) có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chống tăng. Trung tâm của MPCS là hệ thống kính ngắm quang - điện tử có ổn định của Hãng Rheinmatall, có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên không và trên bộ.


Trực thăng tấn công Tiger.    Ảnh: Internet

 Đóng tàu

Đây là lĩnh vực quan trọng thứ hai của nền CNQP Pháp. Các doanh nghiệp đóng tàu Pháp có đủ năng lực đóng tàu chiến, bao gồm tàu ​​sân bay, tàu ngầm, tàu tấn công, đổ bộ đa năng, tàu khu trục nhỏ được trang bị tên lửa dẫn đường, tàu tuần tra và xuồng chiến đấu. Các doanh nghiệp lớn của ngành đóng tàu thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị quân sự cho lực lượng hải quân (GICAN).


Siêu tàu đổ bộ lớp Mistral.   Ảnh: Internet

Đại diện tiêu biểu của ngành đóng tàu quân sự Pháp là Tập đoàn Naeal Group. Họ có các cơ sở đóng tàu sân bay hạt nhân, hoàn thiện khâu lắp ráp cuối cùng các sân đỗ trực thăng tàu đổ bộ lớp Mistral; đóng và sửa chữa tàu ngầm trong Chương trình dự án Barracuda và Skorpen, các khinh hạm đa năng được trang bị tên lửa có điều khiển thuộc Dự án Fremm. Trong khi đó, Tập đoàn Haval Group và các nhà thầu đảm nhận phần động cơ nguyên tử cho các tàu ngầm và tàu sân bay của Pháp. Các nguồn năng lượng khác do hãng MAN Diesel Turbo (chuyên sản xuất các động cơ diesel - điện) phụ trách.

 Hàng không

Đây là một trong những ngành phát triển năng động nhất của nền CNQP Pháp. Các công ty lớn trong ngành hàng không, tên lửa và vũ trụ là thành viên của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Pháp (GIFAS), cơ quan đại diện cho lợi ích của họ trước Chính phủ, góp phần phát triển hợp tác quốc tế và thúc đẩy lợi ích của chủ thể trên thị trường.

Đóng vai trò nòng cốt trong ngành hàng không Pháp là các nhà máy của các tập đoàn Dassault Aviation, Safran và Airbus Group, sản xuất máy bay chiến đấu chiến thuật Rafale, máy bay trực thăng tấn công Tiger, máy bay trực thăng đa năng H-225M Super Puma, AS-332, AS-365, AS-565 Dauphin/Panther, NH- 90 và thiết bị bay không người lái (UAV). Cơ sở chính của Tập đoàn Dassault Aviation thực hiện lắp ráp và hiện đại hóa máy bay chiến đấu Rafale; nghiên cứu sản xuất UAV tấn công trong khuôn khổ chương trình Nero.

Hiện nay, Pháp có khoảng 5.000 doanh nghiệp quốc phòng, cung cấp hơn 400.000 việc làm (trong đó khoảng 165.000 lao động làm việc trong các công ty sản xuất vũ khí), đáp ứng 25% năng lực sản xuất vũ khí, trang bị của châu Âu. 

Một trong những công ty hàng đầu thế giới trong sản xuất trực thăng tấn công đa năng là Airbus Helicopter (thuộc Tập đoàn Airbus), đóng tại thành phố Marignane, Bouches-du-Rhône. Ngoài ra, công ty này còn có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay trực thăng ở La Courneuve (thành phố Saint-Saint-Denis). Động cơ máy bay được sản xuất tại nhà máy Safran Aircraft Engines của Tập đoàn Safran, trụ sở chính đặt tại thành phố Kurkuron, Eson.

Tăng, thiết giáp

Hiện, ngành sản xuất tăng, thiết giáp của Pháp đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về xe tăng, xe bọc thép của lực lượng vũ trang quốc gia. Các nhà sản xuất chính sản phẩm này tham gia Hiệp hội các nhà công nghiệp lĩnh vực trang bị và kỹ thuật quân sự Lục quân (GICAT).


Xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc.    Ảnh: Internet

Các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự do ngành tăng, thiết giáp sản xuất bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc, các phương tiện chiến đấu bọc thép và tổ hợp pháo tự hành. Các doanh nghiệp của Tập đoàn Nexter và Arkus đã bắt đầu sản xuất xe chiến đấu bộ binh VBCI, xe bọc thép đa năng Aravis (VBHP) và pháo tự hành bánh xích Caesar 155mm. Theo Chương trình Scorpion, hợp đồng chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh Jaguar và Griffon cho Lục quân đang được thực hiện. Động cơ cho các phương tiện chiến đấu được sản xuất tại các nhà máy thuộc Tập đoàn Iveco (đóng tại tỉnh Ardeche), Tập đoàn Vyartsila (tỉnh Haut-Rhine). Việc lắp ráp động cơ xe tăng được thực hiện tại nhà máy của Tập đoàn Moteurs Baudouin. Các bộ phận được sản xuất tại các doanh nghiệp của Tập đoàn Nexter, Tập đoàn Iveco và Sof-Ram.

Pháo binh và hỏa lực

Doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này là Tập đoàn Nexter, sản xuất đầy đủ các loại vũ khí pháo binh, như: mô-đun pháo chiến đấu cỡ nòng 20mm và 25mm đặt trên các phương tiện chiến đấu bọc thép, pháo dã chiến 105mm và 155mm, súng cối 81mm và 120mm cung cấp cho Lục quân; các tổ hợp pháo tự động của hải quân, đại bác 30mm cho máy bay và tháp pháo 20mm trên trực thăng. Ngành công nghiệp đạn dược đáp ứng đầy đủ nhu cầu của lực lượng vũ trang về đạn pháo, bom, ngư lôi, đạn cối, đạn súng bộ binh và thuốc nổ... Các doanh nghiệp chủ chốt là Nexter Munsion và Nexter Systems, cũng như TDA Armman của Tập đoàn Thales.

Có thể thấy, các nhà lãnh đạo Pháp tiếp tục theo đuổi chính sách độc lập nhằm thực hiện các kế hoạch phát triển tổ hợp công nghiệp - quân sự. Bên cạnh đó, tăng cường xuất khẩu vũ khí, hợp tác chặt chẽ với các đối tác EU và NATO trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.

                                     ĐOÀN ĐỨC ANH (Tổng hợp)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: