Tin hoạt động

CNQP&KT - Cuộc thi tìm hiểu 75 năm truyền thống Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (15/9/1945-15/9/2020) đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn lan tỏa rộng khắp. Điều đó cho thấy, cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của những người lính thợ Công nghiệp quốc phòng (CNQP), mang lại hiệu quả giáo dục chính trị và giáo dục truyền thống sâu sắc.

ĐỢT SINH HOẠT CHÍNH TRỊ SÂU RỘNG

Cuộc thi tìm hiểu 75 năm truyền thống Tổng cục CNQP là dịp để cán bộ, chiến sĩ, học viên, người lao động đã và đang học tập, công tác ở Tổng cục, cùng nhân dân địa phương nơi đóng quân, ôn lại truyền thống; những đóng góp của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội; qua đó nâng cao nhận thức và phát huy những kinh nghiệm để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.


Các bài thi được trình bày công phu cả về nội dung và hình thức.     Ảnh: BẢO LÂM

Đại tá Tống Xuân Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục CNQP, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi, cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục CNQP, Cục Chính trị đã tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia, đáp ứng yêu cầu của Cuộc thi. Ban Tổ chức đã chủ động xây dựng và ban hành Quy chế Cuộc thi; xây dựng bộ câu hỏi với mục tiêu làm nổi bật kết quả, thành tích qua 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam. Đặc biệt là câu hỏi mang tính liên hệ, vận dụng: Hãy kể một kỷ niệm sâu sắc về CNQP cũng như trách nhiệm của bản thân để góp phần xây dựng và phát triển ngành CNQP vững mạnh? Đây chính là “điểm nhấn” và được cho là “chạm đến trái tim” người đọc, thực sự tạo nên một cuộc thi tìm hiểu hấp dẫn và hiệu quả.

Cuộc thi đã có 14.572 bài dự thi. Ban Tổ chức đã trao 36 giải cá nhân, gồm: 1 giải Xuất sắc; 1 giải Nhất; 5 giải Nhì; 12 giải Ba; 17 giải Khuyến khích; 6 giải thưởng tập thể, gồm: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba. Ngoài ra, còn một số giải phụ được trao cho các cá nhân.

Hưởng ứng Cuộc thi, tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục CNQP đã phát huy tinh thần trách nhiệm, kịp thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; quán triệt, triển khai tới các đối tượng và khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo cán bộ, công nhân viên và nhân dân địa phương nơi đóng quân, đơn vị kết nghĩa cùng tham gia. Tiêu biểu là các nhà máy: Z114, Z115, Z117, Z121, Z127, Z129, Z143, Z175, Z199, Viện Công nghệ, Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ, Cục Hậu cần… Một số đơn vị có tỷ lệ bài thi cao, nộp bài về Tổng cục với số lượng lớn, như: Nhà máy Z121 có 99,5%; Nhà máy Z113 có 95,4%; Nhà máy Z143 có 101%; Nhà máy Z199 có 100,6%; Nhà máy Z129 có 93,7%... Sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 14.572 bài dự thi của các tập thể và cá nhân. Ngoài những phần thưởng được trao ở cấp cơ sở, Ban tổ chức cấp Tổng cục đã trao 36 giải cá nhân, gồm: 1 giải Xuất sắc; 1 giải Nhất; 5 giải Nhì; 12 giải Ba; 17 giải Khuyến khích; 6 giải thưởng tập thể, gồm: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba. Ngoài ra, còn một số giải phụ, gồm: 2 giải dành cho lãnh đạo, chỉ huy có bài viết dự thi đạt chất lượng tốt; 1 giải dành cho bài thi viết tay đẹp nhất; 2 giải dành cho bài thi sáng tạo ấn tượng nhất; 1 giải dành cho bài viết về kỷ niệm sâu sắc hay nhất.


Đồng chí Hoàng Ngọc Trâm (đứng giữa), nhân viên Ban Chính trị, Xí nghiệp Cơ khí 59 (Nhà máy Z127) đoạt giải Xuất sắc, giới thiệu bài dự thi.    Ảnh: BẢO LÂM

Có thể nói, Cuộc thi đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, học viên và nhiều tầng lớp nhân dân địa phương nơi đóng quân, đơn vị kết nghĩa tham gia. Qua đó, thể hiện rõ tình cảm, sự trân trọng và niềm tự hào lớn lao về lịch sử truyền thống 75 năm của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam, góp phần phát huy những thành tích và kinh nghiệm để tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đơn vị và Tổng cục ngày càng vững mạnh.

THỂ HIỆN TÂM HUYẾT, TÌNH CẢM QUA MỖI BÀI THI

Cần phải nhấn mạnh rằng, các bài viết tham gia dự thi cấp Tổng cục, chủ yếu là các bài đã đoạt giải ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở được các cá nhân đầu tư công phu. Mỗi bài dự thi là một tác phẩm của sự tâm huyết, sáng tạo; chỉn chu về hình thức trình bày; công phu về tư liệu nội dung, hình ảnh minh họa. Đặc biệt, một số bài dự thi viết tay thể hiện sự trân trọng, tâm huyết trên từng nét chữ, như bài của đồng chí Hồ Công Phương (Nhà máy Z121), Trần Thị Giang, Lê Thị Hải Vân (Nhà máy Z143), Đinh Tiến Dũng (Trường Cao đẳng CNQP)… Bài dự thi đoạt giải Xuất sắc của đồng chí Hoàng Ngọc Trâm, nhân viên Ban Chính trị, Xí nghiệp cơ khí 59 (Nhà máy Z127) được Ban Giám khảo đánh giá cao bởi hình thức trình bày nổi bật, nội dung phong phú, sát, đúng ở từng câu trả lời, thể hiện sự đầu tư công phu, nghiêm túc. Đặc biệt là câu kể một kỷ niệm sâu sắc về ngành CNQP đã được tác giả trình bày đầy cảm xúc dưới hình thức những trang nhật ký của một người mẹ viết cho con của mình, với mong muốn khi con lớn lên sẽ tiếp nối truyền thống, tiếp tục xây dựng và phát triển ngành CNQP. Tác giả Hoàng Ngọc Trâm chia sẻ: “Cuộc thi là hình thức giáo dục truyền thống rất tốt. Đây là dịp để tôi tỏ lòng tri ân và biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đi trước - những người lính thợ Quân giới anh hùng. Đồng thời, xác định trách nhiệm của mình trong công việc cũng như xây dựng đơn vị, xây dựng ngành CNQP. Bởi thế, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm, khai thác các tư liệu trên sách, báo, thư viện, bảo tàng để thực hiện bài thi”.


Thiếu tướng Nguyễn Đắc Hải, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, trao Bằng khen của Tổng cục tặng các tập thể, cá nhân đoạt giải và có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi.    Ảnh: PV

Trong hàng chục nghìn bài thi, đáng chú ý có bài thi của Thiếu tá, Quân nhân chuyên nghiệp Đặng Thị Hằng, nhân viên Phòng Tham mưu - Kế hoạch (Cục Hậu cần). Đây là bài thi thể hiện sự “dày công” của tác giả trong việc sưu tầm tư liệu, với nhiều hình ảnh minh họa, trình bày đẹp, được đóng thành quyển dày hơn 1.000 trang in giấy cút xê bóng, khổ A4. Thiếu tá Đặng Thị Hằng chia sẻ: “Những nội dung này đều được tôi khai thác từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Qua bài thi tôi cũng muốn gửi gắm tình cảm của bản thân, mong muốn Tổng cục CNQP luôn phát triển lớn mạnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra”.

Các đơn vị có tỷ lệ bài thi cao, nộp bài về Tổng cục với số lượng lớn gồm: Nhà máy Z121 có 99,5%; Nhà máy Z113 có 95,4%; Nhà máy Z143 có 101%; Nhà máy Z199 có 100,6%; Nhà máy Z129 có 93,7%... Qua Cuộc thi ở cấp trực thuộc Tổng cục, các cơ quan, đơn vị đã trao 522 giải thưởng cho các tập thể và cá nhân, với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Tham gia Cuộc thi, Thượng tá Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện Công nghệ, cho rằng: Sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, học viên, người lao động, cùng nhân dân địa phương nơi đóng quân đã thể hiện rõ tình cảm, sự trân trọng và niềm tự hào về những thành quả của ngành Quân giới - CNQP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Cuộc thi đã lan tỏa rộng khắp tới cán bộ, chiến sĩ, học viên, người lao động trong toàn Tổng cục. Do vậy, tổ chức Cuộc thi cũng là dịp để Tổng cục CNQP tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng của cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Từ thành công của cuộc thi, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cơ quan, đơn vị trong toàn Tổng cục CNQP cần tiếp tục tuyên truyền về nội dung và kết quả đạt được của cuộc thi, tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam trong thời kỳ mới.

PHƯƠNG ANH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: