Tin hoạt động

CNQP&KT - Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế trích đăng nội dung chính bài phát biểu quan trọng của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (15/9/1945-15/9/2020).

Ngay sau khi giành được độc lập, tình thế nước nhà đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị cho đất nước chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng, tiền thân của Tổng cục CNQP ngày nay. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển của Quân đội ta. Từ đây, Quân đội có lực lượng chuyên trách nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, cùng sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trên cả nước, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động của Tổng cục CNQP đã luôn phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch kiểm tra sản xuất quốc phòng tại Nhà máy Z111 (tháng 9/2020).    Ảnh: LÊ NAM

Nhìn lại chặng đường lịch sử 75 năm qua, trong những tháng ngày đầu tiên thành lập, ngành Quân giới được Đảng, Bác Hồ hết sức quan tâm chăm lo, coi sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước là việc làm đại nghĩa; đã kịp thời tổ chức vận động và được đông đảo trí thức, công nhân, các tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp vật chất, trí tuệ, sức lực… để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí. Ngành Quân giới ở Trung ương đã khẩn trương triển khai công việc quản lý, điều hành sản xuất vũ khí và hầu khắp các đơn vị, địa phương trên cả nước đã sôi nổi tổ chức hàng trăm binh công xưởng, sản xuất nhiều loại vũ khí, phục vụ quân và dân ta chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ, gian khổ. Đây là một nét rất đặc biệt, thể hiện sinh động tư tưởng tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công nhân ngành Quân giới trong những ngày đầu thành lập.

Tổng cục CNQP có nhiều khả năng và điều kiện, cần phải phấn đấu là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, chiến sĩ, công nhân ngành Quân giới vừa dũng cảm, kiên cường chiến đấu, vừa tích cực nghiên cứu, lao động sáng tạo; gấp rút tổ chức cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị... từ các thành phố, vùng đồng bằng lên Chiến khu Việt Bắc; nhanh chóng ổn định tổ chức, nhà xưởng, bảo đảm vật tư, nguyên liệu để  sản xuất, cải tiến, sửa chữa, cung cấp cho các chiến trường hàng vạn tấn vũ khí, trang bị, trong đó có nhiều loại vũ khí tiên tiến, như: súng, đạn Bazoka, AT, SKZ...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Quân giới tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng từ năm 1955 đến năm 1965, số lượng các nhà máy Quân giới ở miền Bắc đã tăng lên 5 lần; quy mô sản xuất tăng từ 20 đến 30 lần so với thời kỳ chống Pháp. Ngành Quân giới tiếp tục cung cấp các loại vũ khí bộ binh thông thường và nghiên cứu, cải tiến thành công một số loại vũ khí, trang bị hiện đại của các nước bạn viện trợ, phù hợp với điều kiện chiến trường và cách đánh của Việt Nam, nhất là các loại vũ khí, khí tài phòng không, giúp quân và dân ta tạo nên lưới lửa phòng không, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc; nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại vũ khí, trang bị cho bộ đội đặc công và các loại súng cối 81mm, súng và đạn chống tăng CT62, mìn định hướng, các phương tiện chống phá bom từ trường, rà phá thủy lôi của địch… đồng thời, triệt để tận dụng vũ khí thu được của địch tiến hành sửa chữa, cung cấp kịp thời cho các chiến trường, góp phần để quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Sản phẩm quốc phòng do Nhà máy Z131 sản xuất.   Ảnh: TRẦN MINH

Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, kế thừa và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, Tổng cục CNQP đã chuyển đổi cơ chế quản lý, hoạt động; xác định lộ trình, bước đi phù hợp, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học - công nghệ, trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh sản xuất quốc phòng và kinh tế; tập trung cho các sản phẩm mũi nhọn; thích ứng và đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Đến nay, CNQP Việt Nam đã sản xuất được hầu hết vũ khí, trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân; từng bước nghiên cứu, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí chiến lược và tàu quân sự đạt trình độ tiên tiến, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách cho đất nước.

“Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng rằng, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Tổng cục CNQP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

(Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

Hơn 75 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập thành tích, chiến công xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây đắp nên truyền thống vẻ vang và phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi bước trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta đều có những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động của ngành Quân giới - Tổng cục CNQP. Ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tô quốc, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Tổng cục CNQP danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Dựng nước phải đi đôi với giữ nước là bài học lịch sử và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trước tình hình quốc tế, khu vực, biển Đông và dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là từ nay đến Đại hội XIII của Đảng; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiều vấn đề lớn, cấp bách cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt đối với Quân đội. Trong đó, Tổng cục CNQP có vai trò, trách nhiệm hết sức nặng nề. Để làm tròn chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Tổng cục CNQP cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tiếp tục nghiên cứu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị (khóa XI), Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; đề xuất ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng để phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Bám sát thực tiễn huấn luyện chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân, tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị đảm bảo phù hợp với điều kiện địa hình, nghệ thuật quân sự và nhiệm vụ tác chiến của từng loại hình đơn vị. Tổ chức sản xuất chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, chú trọng bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác về CNQP với các đối tác, nhất là với các đối tác truyền thống. Tổng cục CNQP có nhiều khả năng và điều kiện, cần phải phấn đấu là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; chủ động, nhạy bén, năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vừa sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ đời sống dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Hai là, quan tâm xây dựng Tổng cục vững mạnh toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Toàn Tổng cục CNQP cần hết sức coi trọng, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cách mạng; xây dựng cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật quân sự và bí mật quốc gia, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân; giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; thực hiện tốt chính sách xã hội và hậu phương quân đội. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội đến năm 2021; đảm bảo vũ khí, trang bị đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện nghiêm biểu biên chế tổ chức; củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần tập trung đẩy mạnh các khâu đột phá, nền nếp chính quy, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, xây dựng Tổng cục vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, có môi trường lành mạnh, không để tiêu cực, tệ nạn từ bên ngoài xâm nhập, thẩm thấu, tác động vào nội bộ; bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho các nhiệm vụ; chăm lo cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động.

Ba là, coi trọng xây dựng Đảng bộ Tổng cục vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các chủ trương, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Để sản xuất được vũ khí, nhất là các loại vũ khí tiên tiến, công nghệ cao, vấn đề quan trọng nhất là phải nắm bắt được kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ chế tạo. Do vậy, Tổng cục CNQP cần có chủ trương, kế hoạch và chính sách thỏa đáng để giữ gìn, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề; đặc biệt coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, cán bộ thiết kế và công nghệ các ngành đặc thù. Bên cạnh đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Tổng cục cần rà soát, bổ sung hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo, chương trình hành động toàn khóa và phân công tổ chức thực hiện cụ thể, chặt chẽ để sớm đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống.

Vinh dự, tự hào với truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng rằng, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Tổng cục CNQP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập được nhiều thành tích, chiến công mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

* Tiêu đề bài viết của Ban biên tập.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: