Tin tổng hợp

CNQP&KT - Đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Phan Thu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP), vẫn tỏ rõ sự anh minh, am tường và vô cùng nhiệt huyết.

Chuyện xưa, chuyện nay xoay quanh chủ đề nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, qua cách luận giải, đánh giá của ông, đã giúp sáng rõ nhiều điều về một ngành khoa học đặc thù trong Quân đội. 


Trung tướng Phan Thu.   Ảnh: PV

 

PHÒNG QUÂN GIỚI RA ĐỜI LÀ QUYẾT ĐỊNH NHẠY BÉN, ĐÚNG ĐẮN VÀ KỊP THỜI

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Trước hết, xin được trân trọng cảm ơn Trung tướng Phan Thu đã dành cho Tạp chí CNQP và Kinh tế cuộc “Gặp gỡ - Đối thoại” này. Xin hỏi, sức khỏe của đồng chí hiện nay ra sao ạ?

Trung tướng Phan Thu: Cảm ơn nhà báo đã quan tâm. Ở tuổi tôi hiện nay thì khó có thể nói là khỏe được. Không ốm là may rồi (cười). Tôi có cái bệnh đi đâu cũng không thể ngồi lâu. Tuy nhiên, tôi vẫn đọc, vẫn xem, vẫn nghe và vẫn tranh thủ viết, kể cả sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản và liên lạc bằng thư điện tử…

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Vâng! Rất đáng khâm phục. Xin phép được trở lại với chủ đề cuộc đối thoại. Thưa đồng chí, có nhiều cách gọi về ngành sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, như: Quân giới, công nghiệp quân sự, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Theo đồng chí, cần hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng bản chất của một ngành đặc thù trong Quân đội?

Trung tướng Phan Thu: Tôi cho rằng, tên gọi là do con người xác định cho một khái niệm. Nó đúng với nước này và thời điểm này mà cũng có thể hiểu khác đi với nước khác và thời điểm khác.

Quân giới là từ ngữ được dùng để phân biệt với quân khí. Cái chung của 2 từ quân khí và quân giới, là “khí-giới” của Quân đội. Vũ khí và khí giới theo định nghĩa tiếng Việt thì chúng là đồng nghĩa, là thứ để Quân đội sử dụng trong chiến đấu. Trong kháng chiến chống Pháp, ta gọi Quân giới là tổ chức quản lý, sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị và Quân khí là tổ chức quản lý, cấp phát, bảo quản, sửa chữa vũ khí, trang bị cho Quân đội. Hai tổ chức này được phân biệt một cách tương đối như vậy thôi. Quân giới Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng đất nước; đã in sâu trong con tim và khối óc những người sản xuất vũ khí, trang bị. Nhưng để thống nhất theo thông lệ quốc tế và phù hợp với khoa học, cụm từ CNQP đã được sử dụng thay cho cụm từ Quân giới. Ở một số nước, người ta dùng từ ngữ “công nghiệp quân sự” đặt ra theo nghĩa rộng để phân biệt với công nghiệp dân sự. Nói như thế thì công nghiệp quân sự bao trùm cả CNQP.

Đi vào cụ thể, công nghiệp quân sự và CNQP là những khái niệm khó phân biệt rõ ràng. Vì vậy, có quốc gia coi công nghiệp quân sự cũng là CNQP. Ở một số nước khác, người ta đặt CNQP ra ngoài Nhà nước quản lý, thì nền công nghiệp quân sự là công nghiệp trong Bộ Quốc phòng và công nghiệp quân sự được coi như là Quân khí của ta, có trách nhiệm bảo đảm kỹ thuật, cấp phát, sửa chữa vũ khí, trang bị.

Ở nước ta, CNQP là một bộ phận của nền công nghiệp quốc gia mà Bộ Quốc phòng giúp Nhà nước quản lý. Vì vậy, trong Bộ Quốc phòng có cả 2 nền công nghiệp: Công nghiệp sửa chữa do Tổng cục Kỹ thuật quản lý và công nghiệp sản xuất do Tổng cục CNQP quản lý.

Còn CNQP nòng cốt sử dụng để phân biệt với CNQP động viên. CNQP động viên là những cơ sở sản xuất vũ khí, trang bị hoặc một bộ phận của vũ khí, trang bị được CNQP quốc gia phân công phục vụ quốc phòng. Nói cụ thể hơn, CNQP động viên được đặt ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, thậm chí cả đối với các doanh nghiệp dân doanh.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Ngành Quân giới - CNQP đang hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa sự kiện ngày 15/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Phòng Quân giới, tiền thân của Tổng cục CNQP hiện nay?

Trung tướng Phan Thu: Tôi cho rằng đây là một quyết định rất nhạy bén, đúng đắn và kịp thời. Để bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ, nước ta phải có một tổ chức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là thu thập, sửa chữa và mua sắm vũ khí, trang bị để phục vụ cho quân và dân ta đánh giặc. Sự ra đời của phòng Quân giới là yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa tại thời điểm bấy giờ, mà còn đánh dấu sự ra đời của một ngành đặc thù trong Quân đội.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Chúng ta vẫn đang quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Người trước, súng sau”. Vậy, nội hàm của tư tưởng này cần phải hiểu như thế nào cho đúng, thưa đồng chí?

Trung tướng Phan Thu: Đây là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và vũ khí. Trong chiến tranh cần phải có vũ khí, nhưng người sử dụng vũ khí quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải giáo dục con người cách sử dụng vũ khí trước khi giao cho họ. Tư tưởng “Người trước, súng sau” là có ý đó.

Cũng có ý kiến cho rằng, “Người trước, súng sau” còn mang hàm ý về vai trò quan trọng của Quân giới trong chiến tranh giải phóng, tức là muốn có vũ khí để chiến đấu với địch thì trước hết phải có những người làm ra vũ khí. Tôi không bình luận về khía cạnh này, nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì tư tưởng “Người trước, súng sau” của Bác cũng đều coi trọng và phát huy nhân tố con người, chủ thể trong mọi hoạt động quân sự.

“Sự ra đời của Phòng Quân giới là yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa tại thời điểm bấy giờ, mà còn đánh dấu sự ra đời của một ngành đặc thù trong Quân đội”.

(Trung tướng Phan Thu)

CNQP KHÔNG THỂ ĐỨNG NGOÀI CÔNG NGHIỆP QUỐC GIA

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, những đóng góp của ngành sản xuất, sửa chữa vũ khí Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã được ghi nhận trong chính sử, riêng đối với cá nhân, điều gì làm đồng chí tâm đắc và tự hào hơn cả?

Trung tướng Phan Thu: Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngành Quân giới Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, với những dấu ấn được coi là kỳ tích. Điều này cần phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là không chỉ đối với riêng hoạt động chế tạo, sản xuất vũ khí, mà cả đối với hoạt động nghiên cứu, sửa chữa, cải tiến, hoán cải, nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật...

Đối với cá nhân, điều mà tôi tâm đắc hơn cả chính là thời điểm tham gia nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ ra miền Bắc, trong đó có cuộc tập kích bằng B-52 ra Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Tôi không thể quên những đóng góp thầm lặng của Phòng Khoa học quân sự, Phòng Quân báo và Phòng Nghiên cứu kỹ thuật; hoạt động của Đội Trinh sát nhiễu, Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu; hoạt động của các bộ phận cải tiến kỹ thuật chống nhiễu. Họ đều là quân nhân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Tôi đã được cộng tác và chiến đấu cùng họ suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Rất vinh dự và tự hào là cá nhân tôi và Đội Trinh sát nhiễu do tôi chỉ huy đều được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Nhìn lại kết quả chế tạo, sản xuất vũ khí hiện nay so với buổi ban đầu chắc chắn đã có những bước tiến lớn, thưa đồng chí?

Trung tướng Phan Thu: Tôi nghĩ, ngày xưa có những khó khăn của ngày xưa, ngày nay có những khó khăn của ngày nay. Chiến tranh và hòa bình là hai bối cảnh khác biệt nhau. Mỗi thời đánh giá một khác, vì vậy, câu hỏi này rất khó có thể trả lời một cách thỏa đáng.

Còn nếu muốn đánh giá riêng về bước phát triển hiện nay của ngành CNQP thì có thể đánh giá được. Vì rằng, con người và trang - thiết bị công nghệ là những yếu tố quyết định đến chất lượng của công tác nghiên cứu khoa học và chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, thì sự tiến bộ và phát triển của CNQP hiện nay là tất yếu.


Trung tướng Phan Thu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Kinh tế, kiểm tra sản xuất tại Nhà máy Z183 (năm 1990).  Ảnh: TL

 

NHỮNG “ĐIỂM NGHẼN” CẦN KHAI THÔNG

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, để ngành CNQP tiếp tục phát triển lớn mạnh thì cơ chế quản lý nhà nước về CNQP, về tổ chức lực lượng, phát huy vai trò của công nghiếp quốc gia trong xây dựng và phát triển CNQP, còn “điểm nghẽn” gì cần khai thông?

Trung tướng Phan Thu: Trước hết, phải xác định vai trò của CNQP và vai trò của công nghiệp nhà nước. Tôi nghĩ rằng, CNQP không đứng ngoài công nghiệp nhà nước và công nghiệp nhà nước cũng không thể đứng ngoài CNQP. Những tiến bộ nhất của công nghiệp nhà nước phải được tranh thủ đầu tư cho CNQP. Tuy “danh chính ngôn thuận” Tổng cục CNQP là cơ quan quản lý Nhà nước về CNQP, nhưng đã từ lâu, CNQP được đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng và đương nhiên việc quản lý CNQP gần như “khoán trắng” cho Bộ Quốc phòng.

Để khai thông và có bước phát triển mới, phải đề cao vai trò quản lý nhà nước của Tổng cục CNQP. Đó là, Tổng cục CNQP phải trực thuộc Chính phủ, phải có một phó thủ tướng phụ trách quản lý CNQP quốc gia. Về Đảng, đồng chí Phó Thủ tướng đó phải là Ủy viên Bộ Chính trị, có thể quyết định việc đầu tư, cấp ngân sách cũng như những vấn đề quan trọng nhất của CNQP. Tôi xin nhấn mạnh, “điểm nghẽn” cần được khai thông chính là điểm này.

Một vấn đề nữa là những bất cập của tư tưởng nhiệm kỳ trong việc bố trí nhân sự quản lý CNQP. Cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Công tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí là việc khó khăn, phức tạp và cần có thời gian. Nó không có một khuôn mẫu chung nào cả. Cán bộ vừa mới quen việc đã phải nghỉ hưu thì công việc cũng khó trôi chảy. Đó là chưa nói trường hợp người mới được bổ nhiệm có ý kiến khác...

“Có ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất định chúng ta sẽ chế tạo được các loại vũ khí tiên tiến, hiện đại. Đây là cách duy nhất để có thể “đi tắt, đón đầu”, rút ngắn thời gian làm chủ công nghệ của các nước đi sau”.

     (Trung tướng Phan Thu)

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Về việc sản xuất các loại vũ khí mới (vũ khí thông minh, có điều khiển) là xu thế tất yếu. Vậy, các “nấc thang” để có thể sớm làm chủ công nghệ sản xuất các loại vũ khí này như thế nào là phù hợp, thưa đồng chí?

Trung tướng Phan Thu: Để chọn được các “nấc thang” thực hiện việc sản xuất các loại vũ khí thông minh, trước hết phải có quyết tâm chế tạo, sản xuất loại vũ khí đó đã. Chúng ta nhất thiết không được do dự và chần chừ. Còn cách làm như thế nào để đạt mục đích thì phải tùy tình huống cụ thể về tài chính và nhân lực. Nhưng thông thường, nên chọn phương án “đi tắt đón đầu” kết hợp với thứ tự tiến hành “dễ trước, khó sau” để thực hiện.

Do việc mua công nghệ nghiên cứu chế tạo vũ khí mới, hiện đại thường gặp nhiều khó khăn và rất đắt tiền, chúng ta phải tìm cách làm chủ công nghệ chế tạo. Trên thực tế, cũng có một số nước sử dụng phương pháp chế tạo theo mẫu. Nếu ta cũng chọn làm theo phương pháp này sẽ bị quy là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về thiết kế, công nghệ. Điều này sẽ càng nghiêm trọng nếu ta đem vũ khí đó xuất khẩu sang một nước thứ ba. Trên thế giới, việc chế tạo theo mẫu khá phổ biến. Quá trình làm chủ công nghệ để chế tạo theo các loại vũ khí hiện đại đã có, cũng tỏ ra đơn giản hơn là nghiên cứu sản phẩm hoàn toàn mới. Nhưng nhất thiết chúng ta phải làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí mới, có điều khiển, hỏa lực càng mạnh càng tốt, bắn càng xa càng tốt... (cười).

Tuy nhiên, khi làm mới thấy rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều vấn đề phải giải quyết để vượt qua. Nhưng có ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất định chúng ta sẽ chế tạo được các loại vũ khí tiên tiến, hiện đại. Đây là cách duy nhất để có thể “đi tắt, đón đầu”, rút ngắn thời gian làm chủ công nghệ của các nước đi sau.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: So với thời chống Mỹ và thời bao cấp, công nghệ sản xuất vũ khí, nhất là cơ khí chính xác của CNQP đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, dòng sản phẩm cơ khí chính xác hiện chưa tham gia tốt vào công nghiệp hỗ trợ, hòa nhập với công nghiệp quốc gia, hoặc lớn hơn là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng chí có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Trung tướng Phan Thu: Trong kháng chiến chống Mỹ và những năm sau này, để thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP, chúng ta có đầu tư một số dây chuyền cơ khí chính xác ở các viện nghiên cứu, nhà máy phục vụ sản xuất những chi tiết cơ khí chính xác hàng quốc phòng và tận dụng năng lực tham gia sản xuất hàng kinh tế tiêu dùng. Tôi không nắm rõ ngoài Nhà nước xây dựng ngành cơ khí chính xác như thế nào, công nghiệp hỗ trợ phát triển đến đâu. Nhưng đối với các dây chuyền cơ khí chính xác trong Quân đội, về cơ bản là chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư, ngay trong Quân đội chứ chưa nói đến việc phối hợp hoặc tham gia công nghiệp hỗ trợ với bên ngoài. Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm.

Tôi cho rằng, không nên xem những dây chuyền cơ khí chính xác là “đồ trang sức” cho cơ sở của mình, vì nó sẽ xuống cấp và hư hỏng theo thời gian. Nên đưa dây chuyền cơ khí chính xác vào sử dụng một cách phổ biến hơn.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Là người tâm huyết với ngành chế tạo vũ khí, đồng chí có thể gợi mở điều gì trong chiến lược xây dựng và phát triển CNQP thời tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam?

Trung tướng Phan Thu: Tôi có mấy suy nghĩ thế này. Chúng ta cần tổ chức lại nền CNQP quốc gia và có chính sách cụ thể trong quản lý CNQP quốc gia.

Thứ nhất, CNQP là nền công nghiệp của một đất nước, vừa có các hoạt động kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, CNQP phải trực thuộc Chính phủ, do Nhà nước quản lý. Nhiệm vụ sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội phải là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành.

Thứ hai, việc sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội phải do Bộ Quốc phòng đặt hàng và cho quyền cấp phép trao đổi với bên ngoài. Các tổng công ty hoặc tập đoàn kinh tế được phân công tham gia sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội, khi làm việc với bên ngoài phải chấp hành những quy định về bảo mật quân sự. Chẳng hạn, bán vũ khí, trang bị cho ai phải được phép của Nhà nước, mà cụ thể là của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao…

Thứ ba, ở nước nào cũng vậy, nền khoa học - công nghệ cao phải phục vụ cho việc phát triển CNQP. Trong cuộc Cách mạng 4.0, CNQP Việt Nam phải đi đầu, tiếp cận cái mới nhất của khoa học và công nghệ; đồng thời, CNQP cũng phải đóng góp quan trọng cho cuộc Cách mạng đó, để phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Quân giới - CNQP Việt Nam, đồng chí có mong muốn và gửi gắm điều gì với thế hệ hôm nay?

Trung tướng Phan Thu: Là một người làm công tác khoa học kỹ thuật quân sự, từ khi nhập ngũ cho đến khi nghỉ hưu, tôi vô cùng thiết tha với công cuộc xây dựng và phát triển CNQP nước ta. Sự lớn mạnh của CNQP làm tôi vô cùng vui mừng. Tôi xin chúc và cũng mong CNQP Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, mạnh hơn nữa để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhân ngày truyền thống của ngành CNQP, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động trong ngành luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam trong thời gian tới.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

LÊ THIẾT HÙNG

(thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: