Tin tổng hợp

CNQP&KT - Trong các giai đoạn lịch sử, Đảng, Nhà nước đã hết sức chăm lo xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng, nhất là việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, đảm bảo cho Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Trong suốt quá trình đó đã toát lên tinh thần “vượt khó” của ngành Quân giới Việt Nam.

Quá trình tổ chức hoạt động xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh, cũng như trong hòa bình, với những thành quả đạt được, không những góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, mà còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Đặc biệt là bài học về tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng.

Công nhân Quân giới lấy nguyên liệu từ bom của địch để sản xuất vũ khí trong kháng chiến chống Pháp (năm 1947).     Ảnh: TL

Trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân ta không chỉ đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn phải đấu tranh chống lại những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, gian khổ đó đã tạo dựng nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

Đưa xe vượt suối chở vật liệu vào xây dựng Công trường 6503, nay là Nhà máy Z131 (năm 1966).  Ảnh: TL

Xuất phát từ bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ thống các giá trị tốt đẹp, bền vững, phản ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, phản ánh tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đúng như Lời tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Xuất phát từ việc nhận thức sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, chính trị và kỹ thuật trong xây dựng sức mạnh chiến đấu, Quân đội ta đã nỗ lực phấn đấu với tinh thần “vượt khó” để tự đảm bảo vũ khí, trang bị, kỹ thuật quân sự.

Những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần “vượt khó”, như: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Võ Quý Huân, Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Thái, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Phúc Đồng… mãi được ghi danh trong truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Bài học về tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng thể hiện sâu sắc ở tinh thần khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn của một đất nước nông nghiệp, cơ sở vật chất, kinh tế, khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, đời sống vật chất của nhân dân và quân đội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là trong thời kỳ tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ trước khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.   

Bài học về tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng còn thể hiện rõ nét trong thời kỳ đất nước vừa mới giành được độc lập, đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Chính quyền nhân dân non trẻ vừa mới ra đời phải tổ chức cho nhân dân và quân đội chống cả “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Vượt lên trên những toan tính lợi ích cá nhân đơn thuần, thậm chí từ bỏ cả “vinh hoa phú quý”, nhiều nhà khoa học, cán bộ, công nhân Quân giới đã chấp nhận dấn thân vì nghĩa lớn, chấp nhận thiếu thốn, khó khăn, thậm chí là hy sinh, mất mát, để tham gia kháng chiến. Những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần “vượt khó” của ngành Quân giới ta, như: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Võ Quý Huân, Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Thái, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Phúc Đồng… mãi được ghi danh trong truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam.

Kính ngắm bắn ngày, đêm thế hệ mới do các nhà máy  CNQP sản xuất.   Ảnh: PV

Đó là tinh thần “vượt khó” trong việc khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn cả về đội ngũ cán bộ, công nhân viên trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ kỹ thuật, tay nghề; tinh thần “vượt khó” trong việc khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là các cơ sở phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự mới. Giới nghiên cứu khoa học quân sự trong nước và quốc tế từng “ngả mũ” thán phục trước những kỳ tích của Quân giới Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống lại đội quân viễn chinh Pháp, ngành Quân giới đã biến những điều tưởng như không thể trở thành có thể. Với việc nghiên cứu, chế tạo thành công súng và đạn Bazoka trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn giữa núi rừng, lại bị địch thường xuyên truy lùng, đánh phá, đã làm giới quân sự Pháp lúc đó vô cùng bất ngờ, lúng túng. Kỳ tích của Quân giới Việt Nam trong việc làm ra Bazoka, súng cối, súng không giật (SKZ) và nhiều loại vũ khí khác đã làm cho quân Pháp không dám nghênh ngang, coi thường bộ đội ta như trước, buộc phải thay đổi chiến lược và chiến thuật tác chiến.

Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu, đề án, dự án xây dựng, phát triển CNQP theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo cho hoạt động xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Đó còn là tinh thần “vượt khó” trong việc mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế, nhằm khai thác những thế mạnh của các nước về sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, không chỉ các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, mà còn cả những nước có nền khoa học kỹ thuật quân sự phát triển mạnh. Với phương châm “Vạch nhiễu tìm thù” đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích bằng pháo đài bay B-52 của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội, chứng tỏ tinh thần “vượt khó”, lòng quả cảm và sự sáng tạo của Quân đội ta, trong đó có sự góp công quan trọng của những cán bộ, kỹ sư, nhân viên ngành Quân giới.

Bài học về tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng còn được thể hiện rõ nét trong thời kỳ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong muôn vàn khó khăn của một đất nước mới giải phóng với hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề trên cả hai miền Nam Bắc. Lúc này, thực hiện phương châm “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, khắc phục mọi khó khăn của đất nước sau giải phóng để tích cực nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước hiện đại, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Với sự đầu tư đồng bộ cả về máy móc, con người, với tinh thần “vượt khó”, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng ngành CNQP hôm nay đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân; đạn pháo cho lục quân, phòng không và hải quân; ra-đa cảnh giới, máy thông tin, phương tiện tác chiến điện tử; một số trang bị khí tài cho các quân-binh chủng; đóng tàu pháo, tàu tên lửa và các loại tàu bổ trợ khác. Đặc biệt, ngành CNQP đã tự chủ, bảo đảm được hầu hết các loại thuốc phóng, thuốc nổ, vật tư kim loại cho sản xuất đạn dược, đang nghiên cứu để từng bước tự chủ bảo đảm thép chế tạo nòng súng.

Bài học về tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng không chỉ được khái quát, khẳng định trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ vừa qua, mà còn có ý nghĩa vận dụng trong công cuộc xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ tiếp theo. Tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng những năm tới sẽ diễn ra trong điều kiện mới, với những đặc điểm mới, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với những thời cơ, thuận lợi, là những nguy cơ, khó khăn, thách thức đối với việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cải tiến các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự mới. Trong điều kiện đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của toàn quân nói chung và ngành CNQP nói riêng phải tiếp tục vận dụng đúng đắn, sáng tạo bài học về tinh thần “vượt khó” của Quân đội ta trong xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng. Không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức, kỷ luật, ý chí vượt khó vươn lên; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học... Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu, đề án, dự án xây dựng, phát triển CNQP theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo cho hoạt động xây dựng tiềm lực vật chất quốc phòng góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN VĨNH THẮNG

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: