Chi viện nhân lực cho miền Nam xây dựng các xưởng Quân giới10/09/2020 08:54:29 PMCNQP&KT - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiệm vụ chi viện cách mạng miền Nam, trong đó có việc xây dựng lại hệ thống các xưởng Quân giới, là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Quân giới miền Bắc. Từ sau năm 1956, được đế quốc Mỹ dung dưỡng, ngụy quyền Sài Gòn đã công khai phá bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, quyết tâm chia cắt lâu dài đất nước ta. Năm 1959, với Luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ, hòng xóa bỏ lực lượng cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã ra đời xác định rõ đường lối của cách mạng miền Nam và phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam với hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang đã được phát động rộng khắp các địa phương. Đặc biệt từ sau phong trào Đồng Khởi (năm 1960), lực lượng vũ trang dần được hình thành và phát triển, hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Nhiệm vụ đảm bảo vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang được đặt ra ngày càng cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, ngay từ năm 1957, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập xưởng Quân giới đầu tiên và tiếp theo những năm sau đó, xưởng Quân giới các địa phương lần lượt ra đời, hình thành hệ thống các xưởng Quân giới chiến trường. Nhiệm vụ chi viện cách mạng miền Nam, trong đó có việc xây dựng lại hệ thống các xưởng Quân giới, lúc này trở thành một nhiệm vụ chính của Quân giới miền Bắc. Vì vậy, sau khi mở rộng các nhà máy Z1, Z2 và X10, tập trung sản xuất súng bộ binh, đạn con, lựu mìn, quân cụ… gửi vào miền Nam, Cục Quân giới rất chú trọng việc giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và mở rộng hoạt động của các xưởng Quân giới chiến trường. ![]() Dựa trên những kinh nghiệm hoạt động của ngành Quân giới trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quân giới miền Bắc đã triển khai các kế hoạch nhằm chi viện tích cực Quân giới chiến trường trên nhiều mặt, gồm: nhân lực, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, chi tiết vũ khí, tài liệu kỹ thuật. Trong giai đoạn thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, phần lớn cán bộ, công nhân Quân giới miền Nam đã tập kết ra miền Bắc, chỉ còn số ít được cài cắm tại các địa bàn chiến lược. Bởi vậy, khó khăn lớn nhất trong buổi đầu khôi phục Quân giới miền Nam là thiếu đội ngũ cán bộ, công nhân. Để giải quyết khó khăn đó, Trung ương Đảng chủ trương đưa cán bộ, chiến sĩ tập kết trở lại miền Nam. Tháng 5/1957, Đội huấn luyện 557 với nhiệm vụ đào tạo cán bộ và thợ Quân giới cho miền Nam được thành lập. Từ tháng 12/1957, Đội 557 đã tổ chức các khóa huấn luyện. Ba khóa đầu có tính chất đặc biệt: Tất cả học viên được chiêu sinh đều là cán bộ, công nhân Quân giới miền Nam tập kết. Nội dung học tập được Cục Quân giới chuẩn bị rất chu đáo. Ngoài việc chú trọng nâng cao kiến thức sản xuất và sửa chữa vũ khí (chủ yếu là vũ khí cơ bản như mìn, lựu đạn…), học viên còn được trải nghiệm các giải pháp khắc phục khó khăn trong các tình huống đặc biệt, chẳng hạn như sử dụng máy tiện quay tay khi không có máy động lực; cách tổ chức xưởng bảo đảm dễ dàng cơ động khi cần thiết; cách tạo nguồn nguyên vật liệu tại chỗ… Kết thúc khóa học, mỗi học viên đều có trong tay cẩm nang ghi chép rất tỉ mỉ những kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất. Tính riêng 12 khóa đầu đã có 2.327 học viên ra trường. Nhờ sớm có sự chuẩn bị nên Quân giới miền Bắc đã tạo được nguồn nhân lực dồi dào, sẵn sàng chi viện chiến trường khi thời cơ đến. Từ năm 1961 trở đi, khi đường 559 được khai thông, những chuyến hàng vũ khí đầu tiên được chuyển vào miền Nam thì lần lượt các đoàn cán bộ, công nhân Quân giới cũng lên đường vào chiến trường. Tháng 2/1961, đoàn cán bộ, công nhân Quân giới đầu tiên vào đến cơ quan Bộ chỉ huy Miền (B2). Đoàn gồm có 30 người do đồng chí Ba Sinh làm trưởng đoàn, trừ một số ít ở lại cơ quan, số còn lại được phân công đi xây dựng cơ sở Quân giới ở Khu 8 và Khu 9.
Tháng 7/1961, một đoàn khác do đồng chí Trần Văn Quang dẫn đầu đã có mặt ở Bộ chỉ huy B2. Đây là lực lượng quan trọng bổ sung cho Bộ chỉ huy Miền, trong đó có đồng chí Lưu Dương (phụ trách Ban Quân giới), Phan Văn Đời, Phạm Anh Tuấn (Tư Tuấn), Lâm Hồng, Sáu Hào, Sáu Bá… Đây là những cán bộ nòng cốt của Quân giới B2 sau này. Cùng thời gian, khi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập, một đoàn gồm 5 đồng chí đều là cán bộ Quân giới tập kết đã trở về thành lập Ban Quân giới trực thuộc phòng Hậu cần Quân khu. Được tiếp nhận nhiều cán bộ có năng lực và kinh nghiệm, cơ quan Quân giới B2 và Khu 5 được hình thành và từng bước kiện toàn, đã kịp thời chỉ đạo các địa phương gây dựng các cơ sở Quân giới đều khắp. Nhờ có sự quan tâm trực tiếp, sát sao của các cơ quan Quân giới, liên tục được bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là các đoàn cán bộ, công nhân từ miền Bắc, các xưởng: B55 ở Chiến khu D, A10 ở Chiến khu Dương Minh Châu và X10 ở Quân khu 5, đã trở thành hạt nhân để từ đó mở rộng mạng lưới các xưởng Quân giới khắp các địa bàn Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực ngày càng tăng của Quân giới chiến trường, từ năm 1962 trở đi, việc đưa cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề đi B trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Quân giới miền Bắc. Số lượng và chất lượng các đoàn ngày càng tăng. Đơn cử, ngày 12/4/1963, một đoàn gồm nhiều kỹ sư và công nhân bậc cao đã lên đường vào Nam giữa mùa mưa lũ và phải gần 6 tháng sau mới vào được Xưởng B55. Số cán bộ, công nhân này đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực sản xuất cho Xưởng B55, nhiều đồng chí đã lập được thành tích xuất sắc, nổi bật là đồng chí Nguyễn Thanh Vọng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong 8 năm (1965-1973), đã có 28 đoàn với quân số hơn 1.000 người, phần lớn là cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và công nhân được đào tạo bài bản (tính riêng năm 1966 có tới 7 đoàn). Đặc biệt, từ năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, việc chi viện nhân lực cho Quân giới miền Nam đã mang tính chất khác trước. Bên cạnh các đoàn vào tăng cường cho các xưởng, Quân giới miền Bắc đã tổ chức nhiều đội sửa chữa cơ động hành quân vào chiến trường, trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo vũ khí cho các đơn vị chiến đấu. Từ năm 1965 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta chuyển giai đoạn, nhu cầu vũ khí, trang bị phục vụ chiến đấu tăng lên thì hệ thống các xưởng Quân giới chiến trường cũng được mở rộng; hoạt động sản xuất và sửa chữa vũ khí có yêu cầu lớn hơn, mặt hàng, chủng loại vũ khí nhiều và phức tạp hơn. Vì vậy, công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các xưởng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót. Nắm được thực tế đó, Cục Quân giới đã tổ chức nhiều đoàn công tác vào tận nơi nghiên cứu, tìm biện pháp khắc phục. Có thể kể đến là đoàn do đồng chí Trương Quang Sang (Quản đốc Phân xưởng Cơ khí Z2) làm trưởng đoàn, gồm 5 cán bộ đã lên đường vào Khu 5. Tại đây, đoàn đã trực tiếp hướng dẫn 5 cơ sở tổ chức dây chuyền sản xuất hạt lửa, nụ xùy; kiểm tra và giúp một số cơ sở hoàn thiện quy trình sản xuất lựu đạn. Đoàn còn đến một số cơ sở Quân giới huyện tìm hiểu khả năng sản xuất vũ khí tại chỗ và giải quyết một số vướng mắc về nguyên vật liệu… Đặc biệt, sau Hội nghị Quân giới chiến trường (đầu năm 1974), tháng 2/1974, đoàn cán bộ do Cục phó Cục Quân giới Nguyễn Tâm Thưởng phụ trách đã vào Nam bộ và cực Nam Trung bộ công tác. Trong hơn một tháng ở B2, đoàn đã đến hầu khắp các xưởng, trạm Quân giới nắm tình hình, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở; đồng thời góp ý kiến về thiết kế mở rộng các xưởng OX1, OX2, Z24 và Z1. Đến tháng 5/1974, đoàn quay ra làm việc với Phòng Quân giới B1 (Khu 5), trao đổi thống nhất yêu cầu thiết kế và địa điểm xây dựng Xưởng C36 và C38. Ngoài ra, trong hai năm 1974, 1975, để củng cố lại hệ thống các xưởng Quân giới miền Nam, nhiều tổ kỹ thuật đã từ miền Bắc vào Khu 5 và Nam bộ. Các tổ này có nhiệm vụ hỗ trợ các xưởng lắp đặt, vận hành các thiết bị vừa tiếp nhận từ miền Bắc, đồng thời góp phần nâng cao năng lực quản lý sản xuất cho các cơ sở. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau, hàng nghìn cán bộ, công nhân Quân giới miền Bắc đã không quản gian khổ, hy sinh, quyết tâm vượt Trường Sơn vào miền Nam sát cánh cùng cán bộ, công nhân Quân giới miền Nam tạo dựng được một hệ thống cơ sở Quân giới rất đa dạng ở khắp các địa phương; thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất và sửa chữa vũ khí theo yêu cầu của chiến trường. THANH LONG
|