Nhớ về người “truyền lửa Quân giới”26/08/2020 03:10:06 PMCNQP&KT - Thời còn công tác, Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu luôn nhắc nhở chúng tôi làm thiết kế, chế tạo vũ khí thì phải có “Tâm huyết - Trách nhiệm - Sáng tạo - Trung thực”... Chúng tôi hiểu rằng, đó cũng chính là cách mà ông muốn “truyền lửa Quân giới” cho thế hệ tiếp theo. Dẫu biết sức khỏe của Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP) đã yếu đi vài năm gần đây, nhưng sự ra đi của ông vào một ngày hè năm 2020 vẫn làm cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và các thế hệ kế thừa sự nghiệp của ông vô cùng thương tiếc. Với sự kính trọng và tưởng nhớ về ông, một lần nữa tôi ngồi xem lại đoạn video clip chưa đầy 3 phút giới thiệu về cuốn sổ ghi chép của ông vào thời điểm năm 1951, khi ông còn là người thanh niên 25 tuổi - thành viên trẻ nhất trong đoàn 21 học viên được Trung ương Đảng và Bác Hồ trực tiếp lựa chọn cử sang Liên Xô học tập. Ông cùng đồng chí Phạm Đồng Điện là hai người Việt Nam đầu tiên được vào học chuyên ngành chế tạo vũ khí tại Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Matxcơva mang tên Bauman - một trung tâm đào tạo danh tiếng hàng đầu của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Cuốn sổ nhỏ của ông hiện được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng nó rất xứng đáng được các thế hệ làm khoa học của nước ta nói chung và đội ngũ làm công tác nghiên cứu trong ngành CNQP nói riêng trân trọng tham khảo, suy ngẫm về nhân cách và sự cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu. Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu sinh năm 1926 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và trọng nhân văn. Thuở nhỏ, ông học tập tại kinh đô Huế. Năm 1946, sau khi tốt nghiệp Tú tài tại Trường Quốc học Huế, ông ra Hà Nội theo học ngành Toán đại cương. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, người thanh niên Lê Văn Chiểu xếp bút nghiên gia nhập Quân đội. Đầu tiên, ông công tác trong lực lượng công binh, sau đó làm thư ký cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy, Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1947, ông nhận công tác tại Phòng Xạ thuật của Nha Nghiên cứu kỹ thuật (NCKT) thuộc Cục Quân giới. Bắt đầu từ thời điểm này, ông đã cống hiến toàn bộ trí tuệ và sức lực của mình cho sự nghiệp nghiên cứu, chế tạo vũ khí bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu, nổi bật nhất là những cống hiến hết sức quan trọng của một nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí. Ông đã thực hiện điều này không chỉ bằng tất cả trí tuệ và sự uyên bác của mình, mà còn bằng tâm huyết, đam mê, bằng ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến từ thuở thanh xuân cho tới cuối đời. Khởi nghiệp khoa học của ông được bắt đầt từ nhiệm vụ nghiên cứu, tính toán thuật phóng trong thiết kế các mẫu súng đầu tiên của Quân giới Việt Nam tại Nha NCKT dưới sự chỉ đạo của Kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như qua chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trên nhiều cương vị công tác khác nhau, từ lãnh đạo cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo hay chỉ huy đơn vị quân sự… Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu vẫn luôn là một trong những hạt nhân không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu - phát triển vũ khí Việt Nam. Đóng góp của ông đã được ghi nhận trong rất nhiều công trình, đề tài và giải thưởng, tiêu biểu là: 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (công trình thiết kế chế tạo vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954 và công trình chế tạo vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1960-1972); Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (năm 2002) cho công trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thủ pháo và thiết bị điều khiển nổ có tính năng đặc biệt. Với cương vị là Thủ trưởng của ngành CNQP, trực tiếp phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong định hướng phát triển vũ khí Việt Nam, lựa chọn bước đi gắn với các sản phẩm ưu tiên; tổ chức, chỉ đạo điều hành hoạt động nghiên cứu tại các viện và nhà máy CNQP. Ông cũng là người rất nhạy bén trong phát hiện và ủng hộ các đề xuất mới, lắng nghe và khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học. Đồng thời, cũng rất nghiêm khắc đòi hỏi sự trung thực trong nghiên cứu khoa học, kỷ luật công nghệ trong sản xuất, nhất là trong các khâu có nguy cơ mất an toàn, cháy nổ. Những ai đã từng được làm việc dưới sự chỉ đạo của ông đều rất ấn tượng về sự am hiểu chuyên môn và sâu sát thực tiễn ấy. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để đồng hành, sát cánh với anh em khoa học, chia sẻ khó khăn, vất vả, nguy hiểm… trong điều kiện nắng gió khắc nghiệt và áp lực chuyên môn mỗi lần thử vũ khí mới. Ông cũng là người có chính kiến khoa học rất mạch lạc và có phương pháp phản biện khoa học sâu sắc, có sức thuyết phục cao.
Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu không chỉ là một nhà khoa học uyên bác mà còn là một người chỉ huy quân sự được tôi luyện trên chiến trường. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh - một địa bàn có vai trò then chốt trong trấn giữ biên cương trên bộ và tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Điều này chứng tỏ sự tin cậy rất cao của cấp trên đối với năng lực của ông trong lĩnh vực chỉ huy đảm bảo kỹ thuật trực tiếp phục vụ tác chiến. Còn với tất cả chúng tôi, những học viên trưởng thành từ lò đào tạo ban đầu của Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu là một người thầy mẫu mực. Đóng góp của ông cho sự phát triển của nhà trường không chỉ trong vai trò của một nhà sư phạm mà còn với vai trò của một người lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời, ông cũng chính là người trực tiếp góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho sự ra đời cơ sở đào tạo đầu ngành của quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Năm 1966, ông được phân công tham gia Ban nghiên cứu lập Đề án xây dựng Phân hiệu II của Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật quân sự (tiền thân của Học viện Kỹ thuật quân sự ngày nay). Sau đó, ông đảm nhiệm Phó Phân hiệu trưởng Phân hiệu II, Đại học Bách khoa, tiếp theo là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Khi chúng tôi nhập học khóa 11 tại Trường để chuẩn bị đi Liên Xô học tiếp, ấn tượng nhớ mãi về ông là một lãnh đạo nhà trường rất giỏi tiếng Nga. Ông không trực tiếp giảng dạy tiếng Nga nhưng lại là người hướng dẫn cho chúng tôi phương pháp và sự tự tin trong giao tiếp ngoại ngữ, nhất là hay dành thời gian để chúng tôi được “thực hành” luyện nói tiếng Nga với chính ông, thậm chí nghe ông kể chuyện “tiếu lâm” bằng tiếng Nga. Sự ngưỡng mộ lại càng lớn khi sau này chúng tôi được biết ông là người đã tốt nghiệp xuất sắc (Bằng đỏ) tại Trường Bauman nổi tiếng thế giới. Khi đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Kinh tế, Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu đã cùng tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục tham mưu, đề xuất với cấp trên về định hướng phát triển dài hạn CNQP, đặc biệt là các chương trình, đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu chế thử, làm chủ vũ khí mới và xây dựng các viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông còn có nhiều đề xuất mang tầm chiến lược về xây dựng và phát triển CNQP; thúc đẩy gắn kết CNQP với công nghiệp và khoa học công nghệ quốc gia; xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp quy về quản lý sản xuất, quản lý thiết kế công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng vũ khí, đặc biệt là thuốc phóng, thuốc nổ… Sau này, khi đã nghỉ công tác, ông vẫn luôn quan tâm, đau đáu về từng bước phát triển của CNQP Việt Nam, về những thành công cũng như khó khăn, trở ngại trong thử nghiệm vũ khí mới, về chất lượng đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật… Ông luôn nhắc nhở chúng tôi làm thiết kế, chế tạo vũ khí thì phải có “Tâm huyết - Trách nhiệm - Sáng tạo - Trung thực”. Ông luôn quan tâm đến chất lượng của vũ khí vì sự an toàn và niềm tin của bộ đội đối với sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất. Ông luôn có niềm tin vào sự phát triển và hiện đại hóa CNQP, nhưng cũng nhiều suy tư về sự kế thừa thành quả và truyền thống Quân giới của các thế hệ sau này. Chúng tôi hiểu rằng đó cũng chính là cách mà ông muốn “truyền lửa Quân giới” cho thế hệ tiếp theo. Là một trong những học trò được ông quan tâm định hướng và truyền nghề từ những ngày đầu tiên công tác trong ngành CNQP cho tới lúc trưởng thành, Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu là người tôi rất ngưỡng mộ, kính trọng và biết ơn. Nhưng hơn tất cả, điều lớn nhất mà tôi học hỏi được ở ông chính là nhân cách của một người sống có hoài bão, lý tưởng và tâm huyết, công hiến hết mình cho sự nghiệp mà mình đã lựa chọn. Suy nghĩ về tấm gương và cuộc đời của ông, một lần nữa tôi không thể không nhắc lại về cuốn sổ tay năm 1951 của ông như đã đề cập ở trên. Trong đó, ông đã ghi chép tất cả những lời dặn dò của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng trước khi lên đường sang Liên Xô học tập và cả lời hứa của chính ông: “Luôn luôn tích cực”. Có thể đến ngày hôm nay, chúng ta còn chưa hiểu biết đầy đủ về những cống hiến của Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu cho đất nước, cho Quân đội và cho ngành Quân giới - CNQP, nhưng chúng tôi tin rằng, ông đã rất trung thành với hoài bão, khát vọng và đã sống, cống hiến rất trọn vẹn vì điều đó bằng “Nhân cách, Trí tuệ và Tâm huyết” của mình. Xin được tri ân những đóng góp của Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiều, trân trọng giá trị lời hứa “Luôn luôn tích cực” đã giúp ông thành công trong sự nghiệp và góp phần “truyền lửa Quân giới” cho thế hệ tiếp theo. Thiếu tướng, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH
|