Tin hoạt động

CNQP&KT – Phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế trao đổi với Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục, Trưởng ban chỉ đạo phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” (gọi tắt là phong trào thi đua) của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) về những kết quả đã đạt được trong thực hiện phong trào thi đua này.

MỘT PHONG TRÀO NHÂN VĂN, CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI

Phóng viên (PV): Xin được mở đầu cuộc đối thoại bằng một câu hỏi có tính vĩ mô, đồng chí có suy nghĩ gì về chương trình xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Trong quá trình phát triển, khoảng cách giàu nghèo là vấn đề xã hội mà nhiều quốc gia quan tâm giải quyết. Đối với nước ta, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao, cần được hỗ trợ, chia sẻ nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó, có Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tôi cho rằng, giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không chỉ giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng.   Ảnh: PV

PV: Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực tham gia phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng chí đánh giá như thế nào về phong trào này?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Đây cũng thực sự là một câu hỏi vĩ mô đấy (cười). Theo tôi, phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” là hoạt động rất nhân văn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, lan tỏa những việc làm hữu ích, thiết thực. Qua phong trào này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội đã đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn chính sách hậu phương quân đội, quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia xóa đói, giảm nghèo tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó có việc vận động cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng đóng góp xây dựng và sửa chữa nhà cho người nghèo, hộ nghèo; xây dựng và sửa chữa các công trình dân sinh; hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp; đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách; xây, sửa chữa trạm xá quân dân y và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai…

PV: Chắc hẳn, không chỉ dừng lại ở việc “chung tay vì người nghèo”, phong trào còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở những địa bàn có các đơn vị quân đội đóng quân?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Đương nhiên rồi! Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Quân đội chính là “Đội quân công tác”, tham gia xây dựng thế trận lòng dân. Tôi nghĩ rằng, cứ nơi nào khó khăn, phức tạp như vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo... thì càng cần phải được quan tâm. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, các đơn vị quân đội đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận lòng dân và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

PV: Vậy đối với Tổng cục CNQP, đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện phong trào thi đua này?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 đã được các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP triển khai rộng khắp, sát với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Nội dung, mục tiêu thi đua đều tập trung chủ yếu vào việc giúp đỡ cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trên cơ sở bám sát 5 nhóm công việc về xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Thông qua triển khai tốt phong trào đã tiếp tục khẳng định vai trò của Quân đội nói chung và của Tổng cục CNQP nói riêng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ, công nhân, người lao động trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, địa bàn vùng sâu, vùng xa... 

Nhờ thực hiện tốt hoạt động sản xuất-kinh doanh, các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP đã tiếp nhận và đảm bảo việc làm cho hơn 22.500 lao động trên địa bàn đóng quân, thiết thực góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo.

        (Nguồn: Cục Chính trị, Tổng cục CNQP)

KẾT HỢP TỐT CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ CÔNG TÁC DÂN VẬN

 PV: Thưa đồng chí, bất cứ thực hiện nhiệm vụ gì, bao giờ cũng có thuận lợi và khó khăn. Vậy trong thực hiện phong trào thi đua này ở Tổng cục CNQP, yếu tố thuận lợi là gì?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Các cụ ta thường nói “Có thực mới vực được đạo”, hàm ý là: muốn thành công việc gì cũng cần có yếu tố bảo đảm. Các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP triển khai phong trào thi đua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cấp; sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp cơ bản có sự tăng trưởng là điều kiện thuận lợi để “nuôi” phong trào. Cùng với đó, phong trào này có sự phối, kết hợp thường xuyên với công tác dân vận và phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo nên sự cộng hưởng và có hiệu quả hơn.

PV: Theo đồng chí, đâu là tính đặc thù trong thực hiện phong trào thi đua ở Tổng cục CNQP?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Trong thực hiện phong trào thi đua, các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP có những đặc thù riêng so với các đơn vị trong toàn quân. Rõ thấy nhất là nơi các đơn vị đóng quân có các “làng Quân giới”, “làng quân nhân”, “phố lính thợ” được hình thành từ thời chiến tranh. Do đó, cùng với việc tham gia xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, thì trước hết lãnh đạo, chỉ huy các nhà máy còn phải lo giải quyết việc làm, đời sống cho người lao động của chính đơn vị mình.

Khác với những đơn vị thường trực, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hầu hết các đơn vị trong Tổng cục CNQP phải tự hạch toán kinh tế, nguồn kinh phí để thực hiện phong trào còn hạn hẹp, phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả SXKD. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, thường xuyên phải bám ca, bám máy để kịp tiến độ theo chỉ lệnh, do đó đã ảnh hưởng đến việc huy động lực lượng, đóng góp ngày công trong triển khai một số hoạt động trực tiếp tại địa phương…

PV: Xin đồng chí cho biết cách thức tiến hành phong trào ở Tổng cục CNQP như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã lựa chọn Nhà máy Z189 làm đơn vị phát động trước phong trào thi đua, tổ chức rút kinh nghiệm triển khai trong toàn Tổng cục. Quá trình triển khai phong trào, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chỉ đạo gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên các địa bàn, nhất là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng... Nội dung, chỉ tiêu đăng ký cần phấn đấu thực hiện là: Mỗi tổng công ty, công ty, nhà máy, viện, kho, trường giúp một xã trở lên; mỗi xí nghiệp giúp một thôn, bản, ấp trở lên; mỗi phân xưởng giúp một ngõ, xóm trở lên; mỗi tổ, đội giúp một hộ gia đình trở lên; mỗi cán bộ, công nhân viên có việc làm thiết thực vì người nghèo; phấn đấu cùng toàn quân giúp đỡ địa phương đạt và vượt chỉ tiêu của Chính phủ về giảm tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo.

PV: Xin đồng chí nói rõ hơn sự kết hợp giữa phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với các phong trào thi đua khác?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Trong thực hiện phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành, địa phương.

Một số đơn vị đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thiết bị công nghệ, đặc thù sản phẩm để phát huy thế mạnh vào việc nghiên cứu sáng chế, sáng kiến, sản xuất ra các sản phẩm mới có giá trị thiết thực giúp nông dân khắc phục khó khăn về thời tiết, khí hậu hoặc sản xuất, cải tiến các công cụ lao động, thiết bị hữu ích góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc, cải tạo môi trường tại nông thôn. Đồng thời, phát huy cao độ tính tích cực, chủ động; nâng cao hiệu quả SXKD, xây dựng quỹ từ nhiều nguồn để tham gia hỗ trợ địa phương cải thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường; tham gia củng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đóng quân.

Những đơn vị đóng quân tại các trung tâm thành phố, thị xã như: Tổng công ty Sông Thu, Tổng công ty Ba Son, Viện Vũ khí... đã có kế hoạch khảo sát liên hệ, kết nghĩa với những vùng nông thôn KT-XH khó khăn, những nơi đơn vị đã từng đóng quân, địa danh lịch sử... để góp sức, ủng hộ địa phương bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Tổng cục CNQP, tặng quà các gia đình chính sách xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.  Ảnh: PV

CHỈ TIÊU CỤ THỂ, HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

PV:Vậy kết quả cụ thể của các đơn vị trong tham gia hỗ trợ địa phương cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ra sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục đã tích cực hỗ trợ và trực tiếp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, góp phần đáng kể vào sự đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương. Cụ thể, đã có 18 đơn vị hỗ trợ và trực tiếp tham gia xây dựng các công trình nhà văn hóa thôn, xã, khu dân cư; trường học, trạm y tế, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ; 12 đơn vị tham gia cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình như: đường giao thông, làm cầu mới thay thế cầu tạm; cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, hệ thống điện, cấp nước sinh hoạt; tham gia thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà tranh vách đất… Với sự giúp đỡ tích cực trong xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH của các đơn vị, nhiều địa phương đã từng bước hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là các đơn vị: Z121, Z111, Z183, Z115, Tổng công ty Ba Son, Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ...

PV: Tôi nghĩ, giúp địa phương không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ kinh phí hoặc tham gia xây dựng “điện, đường, trường, trạm”, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng thế! Cùng với việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các đơn vị đã tích cực phối hợp với địa phương triển khai thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhất là hướng tới việc tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo của địa phương. Cụ thể là các nhà máy Z111, Z121, Z131, Z176, Z183, Xí nghiệp 23 (Nhà máy Z199), Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ... đã tiếp nhận gần 1.900 con em địa phương vào làm việc tại đơn vị; đồng thời, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là người địa phương nơi đóng quân.

Một số đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, vùng ngập mặn như: xuồng cứu hộ, nhà bạt, dụng cụ nông nghiệp, dụng cụ cho lao động thủ công nghiệp, động cơ máy nước, máy thái rau... Thông qua triển khai tốt các hoạt động SXKD, các đơn vị trên các địa bàn nông thôn đã duy trì đảm bảo việc làm cho hơn 22.500 lao động. Đồng thời, thông qua triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất, với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, đã góp phần tạo nguồn thu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương.

PV: Được biết, Tổng cục CNQP là một trong những đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng luôn thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, và điều đó đương nhiên có ảnh hưởng tích cực đến phong trào thi đua này? 

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Câu hỏi của nhà báo “đương nhiên” đã bao hàm nội dung trả lời rồi (cười).

Nói vui vậy, trên thực tế, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP đã rất tích cực tham gia công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Cụ thể, toàn Tổng cục đã vận động từ nhiều nguồn khác nhau, ủng hộ được hơn 10 tỷ đồng xây dựng các loại quỹ của các địa phương; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 268 nhà tình nghĩa, nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Ngôi nhà 100 đồng”. Đặc biệt, trong năm 2020, triển khai các hoạt động chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Quân giới - CNQP (15/9/1945-15/9/2020), Tổng cục đang tiến hành xây dựng 75 nhà tình nghĩa, nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Ngôi nhà 100 đồng” tại các địa phương trong cả nước. Các cơ quan, đơn vị đã căn cứ tình hình cụ thể, có nhiều hoạt động hỗ trợ gia đình khó khăn bằng hình thức, mức độ phù hợp.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị còn tham gia thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân “Quân - dân y kết hợp”, trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, chống tà đạo, mê tín dị đoan; tham gia thực hiện tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương.

Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (15/9/1945-15/9/2020), Tổng cục CNQP tổ chức xây dựng 75 nhà tình nghĩa, nhà "Nghĩa tình đồng đội", "Ngôi nhà 100 đồng" tại các địa phương trong cả nước.

       (Nguồn: Phòng Chính sách, Tổng cục CNQP)

PV: Vậy đâu là vấn đề cần rút kinh nghiệm, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tuy đã đạt được những kết quả như tôi vừa đề cập, nhưng trong quá trình tổ chức, triển khai phong trào vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Quá trình tổ chức phối hợp thực hiện giữa đơn vị và địa phương chưa được chặt chẽ, nhất là ở khâu khảo sát địa bàn, do vậy, việc xác định những tiêu chí cần tập trung phối hợp thực hiện chưa được cụ thể; việc ủng hộ, giúp đỡ địa phương chủ yếu xuất phát từ những vấn đề nảy sinh, nhu cầu tức thời, chưa theo lộ trình, kế hoạch cụ thể. Mặt khác, điều kiện, năng lực của một số đơn vị còn hạn chế nên việc tham gia giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới chưa được nhiều.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH HƠN NỮA PHONG TRÀO

PV:Thưa đồng chí, quan điểm chỉ đạo trong thực hiện phong trào thi đua này ở Tổng cục CNQP những năm tới như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, trong giai đoạn 2020-2025, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Tổng cục CNQP cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần khẳng định vai trò “Đội quân công tác” và phát huy truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới.

PV:Yêu cầu đặt ra đối với phong trào là gì, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tổng cục CNQP sẽ tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua; động viên, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động trong việc tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương xóa đói, giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước. Thông qua thực hiện phong trào, tiếp tục khẳng định vai trò của Quân đội nói chung, của Tổng cục CNQP nói riêng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.

Ban chỉ đạo Tổng cục CNQP yêu cầu các đơn vị đăng ký phấn đấu, tiếp tục giúp đỡ địa phương đạt và vượt chỉ tiêu của Chính phủ về giảm tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong Tổng cục tích cực chung tay giúp đỡ người nghèo tại các địa phương với nguồn lực và mức độ cụ thể, thông qua hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giúp hộ nghèo, người nghèo... Phương châm của Tổng cục CNQP trong thực hiện phong trào là: “Phát huy nội lực là chính”, phù hợp với khả năng của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tiễn của địa phương; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

PV:Để phong trào thi đua ngày càng lan tỏa, thực chất và ý nghĩa, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Tạp chí CNQP và Kinh tế, đồng chí có yêu cầu gì đối với Ban biên tập Tạp chí trong việc tham gia thực hiện phong trào này?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tổng cục CNQP đang hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, trong đó có đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Là cơ quan ngôn luận của ngành CNQP, Tạp chí CNQP và Kinh tế cần tích cực, chủ động tuyên truyền kết quả thực hiện phong trào này; kịp thời phát hiện, phản ánh những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Tổng cục và toàn quân, góp phần lan tỏa hơn nữa tính nhân văn của phong trào. Cùng với đó, Tạp chí cần đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh, tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh ở những nơi có các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP đóng quân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

LINH TRANG

(thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: