Tin tổng hợp

CNQP&KT - Ấn Độ vừa công bố Chính sách công nghiệp quốc phòng (CNQP), nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất quốc phòng trong nước, đa dạng hóa các sản phẩm, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, trang bị từ nước ngoài.

THỰC TRẠNG NGÀNH CNQP

CNQP Ấn Độ chủ yếu do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) đảm nhiệm xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm và thương mại quân sự (dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Ấn Độ). Các hoạt động nghiên cứu và phát triển của DRDO bao gồm: lĩnh vực hàng không, pháo binh, tên lửa, hải quân; nghiên cứu, chế tạo các thiết bị đo đạc, điện tử, các loại xe chiến đấu, công trình, chất nổ, địa hình, ứng dụng tin học tiên tiến, rô-bốt… Ngành CNQP của Ấn Độ còn có các nhà máy sản xuất trực thuộc nhà nước, các doanh nghiệp quốc phòng, cơ quan đánh giá chất lượng, quản lý sản xuất quốc phòng… Bên cạnh đó, còn một số đơn vị hợp tác với Cục Sản xuất quốc phòng để hỗ trợ kỹ thuật như: Tổng cục Đảm bảo chất lượng, Cục Tiêu chuẩn hóa, Cục Kế hoạch và Hợp tác, Cơ quan Triển lãm quốc phòng...

Các nhà máy quốc phòng có nhiệm vụ sản xuất các trang bị quốc phòng theo yêu cầu của Cục Sản xuất quốc phòng. Ngoài việc cung cấp vũ khí, trang bị cho Quân đội Ấn Độ, các nhà máy quốc phòng còn phải đáp ứng các nhu cầu vũ khí của lực lượng bán vũ trang và cảnh sát; tăng cường khả năng sản xuất phục vụ các khách hàng dân sự và xuất khẩu trong tương lai.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, CNQP Ấn Độ đã triển khai 52 phòng thí nghiệm, được bố trí ở khắp cả nước với 34.000 nhân viên, trong đó có 16.000 nhân viên khoa học kỹ thuật. CNQP Ấn Độ đã đạt được một số thành tựu trong nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí, trang bị, như: tái sử dụng vỏ rốc-két 68mm,  thiết bị hãm dù cho máy bay chiến đấu; súng máy hạng nhẹ có điều khiển, thủy lôi cho hải quân; bom thế hệ mới, súng máy SP 130mm, ra-đa theo dõi tầm thấp cho lục quân và không quân; ra-đa cho pháo binh; ra-đa giám sát chiến trường, hệ thống đài chỉ huy, hệ thống định vị cho tàu công nghệ cao; phao thủy âm để phát hiện tàu ngầm, hệ thống phóng ngư lôi; ứng dụng các hợp chất công nghệ cao trong sản xuất các vũ khí và trang bị quốc phòng... Hiện nay, Ấn Độ ưu tiên phát triển 5 hệ thống tên lửa: Tên lửa tấn công chiến thuật Prithvi; tên lửa tầm trung đất đối không Akash; tên lửa đất đối không tầm ngắn Trishul; tên lửa chống tăng thế hệ thứ 3 Nag và lực lượng tên lửa đạn đạo.

Hệ thống ra-đa theo dõi tầm thấp Indra II.   Ảnh: Internet

Năm 2010, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và tiếp tục duy trì vị trí này trong nhiều năm tiếp theo. Theo lộ trình, Ấn Độ sẽ thực hiện kế hoạch chi tiêu khoảng 80 tỷ USD vào các chương trình hiện đại hóa quân đội; đổi mới chính sách CNQP, kết hợp nghiên cứu chế tạo vũ khí công nghệ cao trong nước với đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí từ bên ngoài. Trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm từ 7 - 9%, Chính phủ Ấn Độ cam kết bảo đảm khả năng đầu tư ổn định cho quân sự. Năm 2019, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ khoảng 45 tỷ USD, cho phép Ấn Độ thực hiện các kế hoạch mua sắm lâu dài. Trong đó, phần lớn là nhập khẩu các loại máy bay của Nga (máy bay Su-30, trực thăng vận tải Mi-17…). Ngoài ra, Ấn Độ đã ký các hợp đồng lớn để mua máy bay tuần tra, do thám biển của Mỹ, máy bay huấn luyện của Anh, tàu ngầm của Pháp và các thiết bị bay không người lái của I-xra-en.

Luật mua sắm vũ khí, trang bị quân sự của Ấn Độ chủ yếu tập trung thúc đẩy ngành CNQP trong nước, phấn đấu tự sản xuất được 70% thiết bị quân sự vào năm 2020.

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CNQP

50 năm qua, sự thay đổi quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng của Ấn Độ là cho phép tư nhân tham gia vào sản xuất CNQP. Thời gian qua, khu vực tư nhân đã đóng góp hàng chục công trình khoa học trong sản xuất các hệ thống vũ khí. Trong những năm tới, doanh nghiệp quốc phòng nhà nước cần được chuẩn bị tốt để đối mặt với sự cạnh tranh từ khu vực tư nhân. Trên thực tế, việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực CNQP đến nay chưa thành công cả về tài chính và công nghệ. Do đó, Ấn Độ sẽ xây dựng luật để giới hạn và điều chỉnh các khoản đầu tư trong lĩnh vực chiến lược. Chính phủ Ấn Độ đã cho phép các công ty tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNQP với cơ chế góp vốn linh hoạt, có thể là 100% vốn trong nước hoặc 26% vốn nước ngoài để sản xuất các loại vũ khí, trang bị quân sự. Vấn đề đặt ra hiện nay là Ấn Độ cần tăng FDI trong ngành CNQP là bao nhiêu để tránh bị tụt hậu so với các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực CNQP? Đây đang là vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Ấn Độ và các bộ, ngành liên quan.

Máy bay chiến đấu HAL Tejas.  Ảnh: Internet

Năm 2011, Luật mua sắm vũ khí, trang bị quân sự của Ấn Độ chủ yếu tập trung thúc đẩy ngành CNQP trong nước, phấn đấu tự sản xuất được 70% thiết bị quân sự vào năm 2020. Xu hướng phát triển chi tiêu quốc phòng tạo điều kiện cho các cơ sở CNQP trong nước phát triển. Trong ngắn hạn, các công ty quốc phòng sẽ tiếp tục cạnh tranh với các doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Trong trung hạn, sẽ giảm các thỏa thuận nhập khẩu lớn, tăng cường sản xuất trong nước và trở thành một đối tác độc lập trong sản xuất quốc phòng. Trong dài hạn, các công ty Ấn Độ vươn lên có thể cạnh tranh với Mỹ, Nga và châu Âu để giành được các hợp đồng quốc phòng lớn trên khắp thế giới.

Ấn Độ sẽ thực hiện kế hoạch chi tiêu khoảng 80 tỷ USD vào các chương trình hiện đại hóa quân đội; đổi mới chính sách CNQP, kết hợp nghiên cứu chế tạo vũ khí công nghệ cao trong nước với đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí từ bên ngoài...

Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa công bố chiến lược phát triển CNQP mới, trong đó có Luật mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cho Quân đội. Chính sách cung cấp một cơ chế pháp lý cho ngành CNQP phát triển, hướng đến 4 mục tiêu chính, đó là: độc lập về thiết kế, phát triển và sản xuất trang - thiết bị, hệ thống vũ khí, phần cứng trong thời gian sớm nhất; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân thể hiện vai trò chủ động; mở rộng các cơ sở nghiên cứu và phát triển quốc phòng của đất nước; phát huy tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay, Ấn Độ đang tập trung ưu tiên đơn đặt hàng cho các tổ hợp CNQP trong nước, nếu không đáp ứng được thì mới nhập khẩu từ bên ngoài. Có thể thấy, chính sách sản xuất quốc phòng của Ấn Độ khá linh hoạt khi một mặt tạo điều kiện cho các tổ hợp CNQP trong nước phát triển; mặt khác, vẫn cho phép nhập khẩu các sản phẩm lẫn công nghệ sản xuất quốc phòng từ nước ngoài nếu cần thiết. Điều này cho phép các cơ sở sản xuất CNQP của Ấn Độ vừa giảm được thuế nhập khẩu, tạo thêm việc làm, hạ giá thành sản phẩm mà vẫn tiếp cận được công nghệ tiên tiến. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, Luật mua sắm vũ khí, trang bị quân sự của Ấn Độ sẽ giúp tiết kiệm một khoản lớn cho ngân sách quốc phòng, có thể đưa tỷ lệ các sản phẩm quân sự nhập của nước ngoài giảm từ 75% (như hiện nay) xuống còn 25%. Mặt khác, chính sách phát triển CNQP mới của Ấn Độ cũng quy định phương thức ưu tiên mua sắm theo thứ tự: mua hàng Ấn Độ; thành lập doanh nghiệp liên doanh với công ty nước ngoài, mua thiết bị và chế tạo ở Ấn Độ; Ấn Độ chế tạo, do công ty nước ngoài thiết kế, phát triển, đồng thời chế tạo hệ thống hoàn thiện; mua sắm và thông qua chuyển giao công nghệ sản xuất, có thể đến từ công ty nước ngoài; mua sắm toàn cầu.

Tàu ngầm tàng hình lớp Scorpene do CNQP Ấn Độ đóng mới.   Ảnh: Internet

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quân sự, Chính sách CNQP của Ấn Độ bộc lộ một số hạn chế, đó là: Xét về công nghệ, Ấn Độ chưa thể so sánh với các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và Nga. Các nước này dành trên 10% ngân sách quốc phòng cho nghiên cứu và phát triển, trong khi Ấn Độ chỉ dành 6% (khoảng 2,2 tỷ USD). Bên cạnh đó, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển CNQP còn hạn chế và thiếu rõ ràng khi chưa quy định mức phần trăm doanh thu hoặc lợi nhuận dành cho nội dung này. Đồng thời, theo đánh giá, Chính sách này còn thiếu một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân cũng như cơ chế giám sát độc lập trong sản xuất quốc phòng... gây khó khăn cho việc đánh giá các tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm quốc phòng.

Có thể nói, chính sách CNQP mới là một nỗ lực rất lớn và định hướng đúng cho ngành CNQP của Ấn Độ vươn lên đáp ứng các yêu cầu về vũ khí, trang bị của lực lượng vũ trang. Đồng thời, đây được xem như một bước cải thiện căn bản khuôn khổ chính sách hiện hành để hỗ trợ cao hơn cho sản xuất quốc phòng nội địa, góp phần từng bước đưa Ấn Độ trở thành cường quốc trong khu vực và thế giới.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: