Tin cơ sở

CNQP&KT - Là một trong những phòng chủ lực của Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ, những năm qua, Phòng Thuốc phóng đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu, đóng góp tích cực vào thành tích chung của đơn vị.

Cách đây chưa lâu, trong bài “Những gương sáng noi theo” đăng trên Tạp chí CNQP&Kinh tế số 4/2019, tôi có đề cập đến Phòng Thuốc phóng - một trong những tập thể điển hình được vinh danh tại Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014 - 2019) của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Do dung lượng hạn chế, trong bài viết đó tôi mới chỉ giới thiệu vắn tắt về Phòng Thuốc phóng. May mắn là mới đây, trong chuyến công tác tại Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ, chúng tôi đã có điều kiện trò chuyện trực tiếp với các cán bộ, nghiên cứu viên của Phòng Thuốc phóng, qua đó khắc họa được rõ nét hơn về một phòng chủ lực, đặc thù của Viện.

Phòng Thuốc phóng họp trao đổi chuyên môn.    Ảnh: LÊ NAM 

Để giúp chúng tôi hiểu hơn về công việc hằng ngày của các cán bộ, nghiên cứu viên, Thượng tá, TS. Hoàng Thế Vũ, Trưởng phòng Thuốc phóng, dẫn chúng tôi tham quan phòng thí nghiệm, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Phòng, cũng như các loại trang, thiết bị phục vụ nghiên cứu. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, Phòng Thuốc phóng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực thuốc phóng, đề xuất phương hướng phát triển các loại thuốc phóng phục vụ quốc phòng; thẩm định các tài liệu kỹ thuật liên quan đến thuốc phóng; triển khai các dịch vụ KHCN, chuyển giao công nghệ... 100% quân số của Phòng có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 2 tiến sĩ.

 Vẫn theo đồng chí Trưởng phòng Thuốc phóng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phòng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là vấn đề công nghệ chế tạo thuốc phóng là bí mật quân sự nên nhiều tài liệu mật, không được công bố; nhiều nguyên liệu đặc biệt thuộc loại “hiếm có khó tìm”... Để khắc phục những khó khăn đó, các cán bộ, nghiên cứu viên của Phòng đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, quán triệt tốt phương châm “lấy chuyên ngành làm thế mạnh; nghiên cứu phải tạo ra được sản phẩm hữu dụng; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; thường xuyên quan tâm đến việc tạo dựng sản phẩm truyền thống”. Các đề tài nghiên cứu của Phòng luôn có tính ứng dụng cao bởi chúng đều bám sát nhu cầu của đơn vị sử dụng.

Một bí quyết giúp Phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đó là “phát huy phẩm chất từng cá nhân kết hợp với trí tuệ tập thể”. Điều này rõ ràng không mới, thế nhưng để thực hiện hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Thực tế, hiếm có phòng nghiên cứu nào mà mỗi cá nhân được giữ vai trò chủ nhiệm trên 3 đề tài. “Lãnh đạo, chỉ huy Phòng luôn tin tưởng, chủ động giao việc cho từng cán bộ, nghiên cứu viên. Ngay cả cán bộ trẻ, ít kinh nghiệm cũng được giao chủ nhiệm đề tài. Nhờ đó, mỗi người đều phát huy được năng lực, sở trường, tinh thần trách nhiệm, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, ngày càng trưởng thành hơn trên con đường nghiên cứu khoa học” - Thiếu tá, TS. Lê Duy Bình, nghiên cứu viên chính Phòng Thuốc phóng bộc bạch. 

Để thực hiện thành công các đề tài, ngoài vai trò của mỗi cá nhân thì không thể thiếu sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể Phòng. Khi đề tài gặp “nút thắt” mà một cá nhân chưa tìm được cách tháo gỡ, cũng là lúc “trí tuệ tập thể” phát huy sức mạnh. Đề tài nghiên cứu chế tạo trụ giữ chậm động cơ sản phẩm FMV là một “bài toán khó” như thế. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian ngắn để đáp ứng kịp thời tiến độ sản xuất loạt “0” sản phẩm FMV. Vậy mà sau gần 20 cuộc thử nghiệm, vẫn chưa thể tìm được “lời giải đúng”. Tuy nhiên, bằng lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, tập trung nghiên cứu tài liệu chuyên ngành về thiết kế các chi tiết; phân tích các nhược điểm của kết cấu cũ; đồng thời, tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, tập thể Phòng đã tìm ra hướng thiết kế và công nghệ chế tạo mới. Kết quả, trụ giữ chậm do Phòng nghiên cứu, chế tạo hoàn toàn đáp ứng được tính năng kỹ, chiến thuật của sản phẩm FMV, đảm bảo kịp thời tiến độ sản xuất loạt “0”.

Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, 5 năm qua, Phòng Thuốc phóng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Nổi bật là triển khai và nghiệm thu 17 đề tài, nhiệm vụ các cấp; chuyển giao công nghệ chế tạo 10 mác  sản phẩm cho các đơn vị; tổ chức sản xuất và cung cấp một số sản phẩm phục vụ sản xuất quốc phòng; nghiên cứu thành công 6 mác thuốc cho một số sản phẩm quốc phòng; làm chủ công nghệ tổng hợp một số loại phụ gia... Năm 2018, Phòng Thuốc phóng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều đề tài nghiên cứu KHCN tiêu biểu được Thủ trưởng Tổng cục CNQP tặng Bằng khen, Giấy khen. Phòng nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng của Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ (2013-2018)...

Đánh giá về Phòng Thuốc phóng, Đại tá, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ, cho biết: Đây là tập thể điển hình tiên tiến của Viện, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu năng động, sáng tạo, giàu tâm huyết, trách nhiệm. Việc nghiên cứu, triển khai thành công các đề tài, nhiệm vụ của Phòng Thuốc phóng đã khẳng định được khả năng tự chủ trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN; phát huy năng lực, trình độ của đơn vị và đội ngũ cán bộ nghiên cứu; góp phần đảm bảo tự chủ trong sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh của ngành CNQP Việt Nam.

Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, Phòng Thuốc phóng sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong công tác nghiên cứu KHCN quân sự, xứng đáng là phòng chủ lực, nòng cốt của Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ, góp phần vào thành tựu chung của ngành CNQP.

CHI ANH

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: