Tin hoạt động

CNQP&KT - Ngày 7/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì, đã làm việc với Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) và tỉnh Thái Nguyên về công tác thẩm tra Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cùng dự buổi làm việc có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP); Bộ Tư lệnh Quân khu 1; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên…

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Thượng tá Nguyễn Đức Thi, Giám đốc Nhà máy Z131 cho biết: Nhà máy Z131 là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm quốc phòng phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, Nhà máy còn đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng kinh tế phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách khuyến khích phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng chưa được quan tâm đúng mức nên rất khó khăn trong chuyển đổi sản xuất sản phẩm kinh tế phục vụ dân sinh. Nhà máy chưa được hỗ trợ, đảm bảo về kinh phí quân trang, bảo hiểm y tế cho công nhân, viên chức và thân nhân, tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Nhà máy đề nghị trong quá trình xây dựng Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần nghiên cứu bổ sung nội dung các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt được Nhà nước đảm bảo một số khoản chi phí đặc thù, như: hỗ trợ kinh phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; xây dựng hành lang pháp lý xuất khẩu sản phẩm quốc phòng nhằm khai thác tối đa công suất của các dây chuyền sản xuất quốc phòng đã được đầu tư. 
 


Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Nhà máy Z131.

Tại tỉnh Thái Nguyên, báo cáo với Đoàn khảo sát, Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Qua 20 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả nổi bật. Các cơ sở CNQP nòng cốt, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài trang bị cho Quân đội, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng của địa phương và đất nước. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức quy hoạch và bảo đảm quỹ đất cho các cơ sở CNQP, an ninh và cơ sở động viên công nghiệp đóng quân và hoạt động theo quy định của pháp luật; tạo môi trường thuận lợi để các cơ sở CNQP nòng cốt cạnh tranh lành mạnh trong tiêu thụ các sản phẩm kinh tế. Song, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền pháp luật về CNQP, an ninh và động viên công nghiệp chưa được các cấp, các ngành thực sự quan tâm; việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia vào CNQP, an ninh và động viên công nghiệp; chưa chú trọng phát triển các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.


Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, phát biểu.

Để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh Thái Nguyên mong muốn, Quốc hội sớm xem xét thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện. Sau khi Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được ban hành, đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng có liên quan ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn chi tiết, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung phân tích và kiến nghị với Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội và Tổ soạn thảo Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nghiên cứu bổ sung các nội dung vào dự thảo Luật như: Cơ chế tuyển dụng, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng quỹ đầu tư phát triển khoa học - công nghệ; cơ chế tài chính; cơ chế liên doanh liên kết; cơ chế xuất khẩu sản phẩm quốc phòng…


Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội tham quan cơ sở sản xuất quốc phòng của Nhà máy Z131.

Kết luận tại các buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về CNQP, an ninh và động viên công nghiệp của Nhà máy Z131 và tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, giao cho các thành viên tổ soạn thảo tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan chức năng, Nhà máy Z131 và tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trên tinh thần các quy định phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ với hệ thống pháp luật.

 Tin, ảnh: TUẤN MINH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: