Giải pháp phát triển Công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia15/02/2023 04:10:23 PMCNQP&KT - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”1. Để thực hiện mục tiêu này, cần nhiều giải pháp đồng bộ và khả thi, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới. Thấu triệt quan điểm của Đảng, trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để phát triển CNQP Việt Nam tự chủ, hiện đại, lưỡng dụng. Hiện, CNQP Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa được nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại với hàm lượng khoa học - công nghệ (KHCN) cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT); đồng thời, sản xuất được nhiều sản phẩm dân dụng đạt chất lượng tốt, được thị trường tin dùng, như: vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, sản phẩm cơ khí, may mặc, điện tử, quang học... Bên cạnh đó, CNQP cũng đóng mới các gam tàu kinh tế xuất khẩu sang nhiều quốc gia, như: tàu cung ứng thuyền viên cho Tập đoàn Damen (Hà Lan), tàu cứu hộ tàu ngầm và tàu chở dầu cho Hải quân Australia, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cho Pháp; tàu công trình, tàu huấn luyện máy bay, du thuyền, tàu kéo cảng... Thành tựu này đã được Đại hội XIII của Đảng ghi nhận và khẳng định: “Công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”2. Cần khẳng định, CNQP vừa là thành tố quan trọng của tiềm lực quốc phòng và là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia thể hiện trên hai khía cạnh: CNQP vừa là một bộ phận nòng cốt, cơ bản, quan trọng nhất của tiềm lực kinh tế quân sự và sức mạnh quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, vừa là mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia. Xây dựng và phát triển CNQP cần thỏa mãn hai nhu cầu: củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) và phục vụ đời sống dân sinh. Thực tế, việc huy động tiềm lực KHCN và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển CNQP đã có bước tiến mới, tạo nhiều cơ hội thuận lợi để CNQP phát triển và hội nhập. Cơ sở CNQP từng bước được cơ cấu theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; hợp tác quốc tế được mở rộng, trong đó “ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn và lưỡng dụng”3, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Các dự án trọng điểm của CNQP được đưa vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với củng cố QP-AN, đặc biệt là ở các địa bàn trọng yếu, khu vực biên giới, biển, đảo. CNQP góp phần nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: “Từng bước xây dựng CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước”4. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển CNQP trong tình hình mới, các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực CNQP đã từng bước được hoàn thiện. Các dự án đầu tư phát triển CNQP đã phát huy hiệu quả, đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, có năng lực hoạt động thực tiễn, có khả năng nghiên cứu, hoạch định, phát hiện, đề xuất các vấn đề định hướng chiến lược phát triển CNQP. Tuy nhiên, CNQP vẫn còn những khó khăn, bất cập, đó là: Tính đồng bộ của thể chế, chính sách; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý và nguồn nhân lực chưa được đầu tư thích đáng, chưa thu hút được nhiều nhân tài vào ngành CNQP. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật công nghệ cao để nâng cao chất lượng VKTBKT tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn có mặt hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực cho phát triển CNQP còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện lưỡng dụng trong các dự án đầu tư còn bất cập. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN của quốc gia và động viên công nghiệp dân sinh phục vụ CNQP chưa được quan tâm đúng mức… Trên cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ giữa CNQP với công nghiệp quốc gia, để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng, phát triển CNQP thực sự là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong phạm vi bài viết xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp. CNQP là lĩnh vực đặc thù, một bộ phận của tiềm lực quốc phòng, an ninh; cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển CNQP. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, LLVT và doanh nghiệp thấu triệt việc xây dựng, phát triển CNQP, an ninh là nhiệm vụ chiến lược của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển CNQP, an ninh. Các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần phối hợp và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các chương trình, mục tiêu, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả. Gắn chương trình, đề án phát triển CNQP, an ninh với quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển công nghiệp dân sinh của từng địa phương, từng ngành; kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập và rút ra những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Kiểm tra công tác an toàn trong sản xuất tại Nhà máy Z129. Ảnh: LÊ KIM LỊCH Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng, phát triển CNQP và động viên công nghiệp. Sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Động viên công nghiệp (ĐVCN) và hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến CNQP, ĐVCN chưa được thể chế hóa; một số nội dung của các pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng… Do đó, xây dựng, ban hành Luật CNQP, an ninh và ĐVCN là vấn đề cấp thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, phát triển CNQP, ĐVCN; đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa CNQP với công nghiệp quốc gia, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi các pháp lệnh. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển CNQP, ĐVCN cả trước mắt và lâu dài, tập trung vào các nội dung: nguồn nhân lực, cơ cấu cơ sở CNQP nòng cốt; vốn cho đầu tư nghiên cứu phát triển VKTBKT công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, công nghệ lưỡng dụng; huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CNQP và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN; cơ chế hợp tác, hội nhập quốc tế và xúc tiến thương mại… Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp về phát triển CNQP, ĐVCN.
Ba là, nâng cao hiệu quả phát triển nguồn nhân lực cho CNQP. Để nâng cao hiệu quả phát triển nguồn nhân lực cho CNQP cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa chương trình đào tạo. Trong đó, đào tạo đội ngũ cán bộ KHCN chất lượng cao cho những ngành đặc thù, nhất là các chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư; bổ sung chính sách để thu hút nhân tài từ các tổ chức, doanh nghiệp KHCN, các cơ sở nghiên cứu, viện thiết kế có liên quan và Việt kiều, chuyên gia nước ngoài có trình độ cao tham gia các chương trình, dự án CNQP. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp; bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động đổi mới sáng tạo; bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật tay nghề cao để họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp. Bốn là, huy động hiệu quả sự tham gia của KHCN công nghiệp quốc gia, công nghiệp dân sinh và các nguồn lực cho xây dựng, phát triển CNQP. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, tiếp thu chuyển giao công nghệ hai chiều giữa CNQP và công nghiệp quốc gia, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa CNQP với công nghiệp quốc gia. Xây dựng, phát triển CNQP thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia đòi hỏi có sự đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài chính, KHCN… Do đó, cần huy động và đa dạng hóa nguồn lực phát triển CNQP, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm. Đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, huy động có hiệu quả thành tựu KHCN quốc gia, công nghiệp dân sinh cho xây dựng, phát triển CNQP, an ninh. Tập trung quy hoạch, định hướng sản xuất các sản phẩm quốc phòng và kinh tế, phù hợp với thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần mở rộng phương thức huy động các nguồn lực, liên doanh, liên kết, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ cho CNQP. Năm là, cơ cấu, sắp xếp các cơ sở CNQP nòng cốt và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp CNQP. Cần cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiện đại, lưỡng dụng. Việc cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP cần chú trọng đến thế bố trí chiến lược chung của cả nước và 3 miền; đồng thời, quan tâm quy hoạch, định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm VKTBKT đặc thù quân sự… trên cơ sở các kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn và đề án phát triển CNQP. Cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo mô hình liên kết chuỗi sản phẩm gắn với chuyên môn hóa theo yêu cầu thiết kế công nghệ để phân định chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề của cơ sở CNQP; đáp ứng các yêu cầu quản lý, tổ chức thiết kế, chế tạo, sản xuất sản phẩm quốc phòng và lưỡng dụng để duy trì và nâng cao tiềm lực CNQP. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; tích tụ tài chính và các yếu tố khác cho các doanh nghiệp CNQP tiến tới hình thành tổ hợp CNQP. Để CNQP là trở thành bộ phận quan trọng gắn kết chặt chẽ và thực sự là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn, sự phối hợp của nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, trong đó Quân đội phải là nòng cốt, chủ lực. Những thành tựu, kết quả đã đạt được trong những năm qua là cơ sở quan trọng để ngành CNQP thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HOÀN Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, 2021, tr.245. 2. Sđd, tập 2, Hà Nội, tr. 56. 3. Sđd, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.279. 4. Đảng bộ Quân đội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội, 2020, tr.25.
|