Tin tổng hợp

CNQP&KT - Thế giới năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là xung đột quân sự Nga - Ukraine đã kéo theo những chuyển biến mới trong các nền công nghiệp quốc phòng cả về quy mô, tính chất và mức độ.

CHẠY ĐUA PHÁT TRIỂN THIẾT BỊ BAY CHIẾN ĐẤU KHÔNG NGƯỜI LÁI

Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng ngày càng sâu rộng hơn vào lĩnh vực quân sự - quốc phòng, theo đó thiết bị bay chiến đấu không người lái (UCAV) trở nên phổ biến, có những tính năng nổi trội hơn so với các dòng vũ khí khác. UCAV tiếp tục đóng vai trò đáng kể trong việc thay đổi bản chất của chiến tranh hiện đại. Theo ước tính của Tập đoàn Teal Group (Tây Ban Nha), tổng ngân sách chi tiêu của các quốc gia trên thế giới cho phát triển UCAV sẽ tăng đến 10,3 tỷ USD vào năm 2026.

Trong cuộc đua phát triển UCAV, Mỹ độc chiếm vị trí số một khi sở hữu mọi ưu thế để tiếp tục khẳng định vị thế trong tương lai gần, như: ngân sách chi tiêu cho UCAV đứng đầu thế giới; lực lượng hùng hậu với các dòng UCAV phổ biến như MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper, RQ-4 Global Hawk… Trong khi đó, Israel từng bước chiếm lĩnh thị trường. Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và sử dụng UCAV, ngay từ cuối thập kỷ 1980 của thế kỷ trước, Israel đã là nước xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 60% thị trường toàn cầu. Trong đó, UCAV Heron của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) hiện được nhiều nước ưa chuộng. Trung Quốc cũng dần khẳng định vị thế với tốc độ phát triển UCAV thần tốc. Hiện, nước này chuẩn bị triển khai các dòng UCAV và máy bay quân sự, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho UCAV, cho phép máy bay chiến đấu có người lái phối hợp điều khiển UCAV. Sản phẩm của Trung Quốc được cho là hội đủ các tiêu chuẩn như tốc độ siêu thanh, khả năng cơ động cao và khả năng tàng hình tốt để trở thành chiếc tiêm kích thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, dòng Yunying cũng gây tiếng vang lớn nhờ khả năng bay trên tầm bắn của tên lửa hạm đối không và có thể tấn công cả mục tiêu mặt đất và trên biển. Các dòng UCAV khác, như: Cloud Shadow, Wing Loong, CH-3, CH-4 và CH-5 cũng đắt hàng, đặc biệt là tại thị trường Trung Đông.


Máy bay chiến đấu không người lái Orion của Nga.  Ảnh: Internet

Trong cuộc đua này, Nga nỗ lực phát triển các UCAV tầm xa, có khả năng xuất kích với tốc độ siêu thanh và bay ở tầm thấp nhằm tấn công các mục tiêu cố định lẫn di động. Nga đã cho ra mắt UCAV Orion tầm trung, sải cánh 16m, độ dài 8m, tải trọng 200kg và có thể bay liên tục 24 giờ. Đồng thời, quảng bá 2 loại UCAV mới nhất là Corsair (của OKB Luch) và Katran (của Tập đoàn Russian Helicopters) đều có khả năng thực hiện những cuộc tấn công uy lực lớn.

VŨ KHÍ TỰ HÀNH “LÊN NGÔI”

Pháo tự hành: M1299 ERCA của Mỹ với tầm bắn tối đa trên 100km, đã vượt qua các loại pháo tự hành hiện đại nhất của Đức và Nga. Theo nhà sản xuất, XM1299 còn được sử dụng như một vũ khí hạt nhân tiến công chiến thuật với các loại đạn pháo đặc biệt, có thể gây tổn thất lớn cho đối thủ chỉ với vài phát bắn. XM1299 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử và cân bằng bệ pháo tự động hóa giúp tăng khả năng nhận thức tình huống và kết nối, chia sẻ thông tin với các đơn vị đồng minh. Hệ thống nạp đạn tự động giúp tốc độ bắn của XM1299 đạt tới 10 viên/phút. Theo kế hoạch, dòng pháo tự hành này sẽ được trang bị cho Quân đội Mỹ từ năm 2023.

Tàu ngầm tự hành: Iran đã cho ra mắt loại tàu ngầm thông minh không người lái (UUV). Với khả năng hoạt động ở hầu hết địa hình dưới đáy đại dương, UUV có thể tiến hành nhiều nhiệm vụ dưới nước, đặc biệt phù hợp khi sử dụng ở các vùng biển nước nông, núi ngầm và bãi cạn. UUV cũng có tiềm năng thực hiện các chiến dịch săn mìn và đặt mìn khi có thể trinh sát các bãi mìn dưới biển và vô hiệu hóa chúng. Ngoài ra, UUV còn là hệ thống giám sát dưới nước hữu ích nhằm phát hiện kịp thời tàu chiến và tàu ngầm của đối phương.


Mô hình phương tiện lặn tự hành Manta Ray.         Ảnh: Internet

Thiết bị lặn tự hành: Cơ quan Phụ trách các Dự án tương lai (DARPA) của Mỹ vừa công bố Chương trình phát triển thiết bị lặn không người lái dưới nước thế hệ mới với tên gọi Manta Ray. Chương trình này nhằm phát triển phương tiện lặn tự hành có khả năng hoạt động thời gian dài dưới nước, không cần tiếp liệu và bảo dưỡng. Nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo, Manta Ray có khả năng tự động hóa cao ở tất cả các khâu và hoạt động được ở các vùng biển khắc nghiệt, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Theo các nhà sản xuất, thiết bị lặn tự hành Manta Ray được chế tạo dựa trên thiết kế tàu ngầm cỡ nhỏ truyền thống, nhưng kết cấu khoang được tối giản và thu nhỏ do không cần duy trì không gian cho thủy thủ đoàn.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Xu hướng liên kết, hợp tác song phương để phát huy sức mạnh tổng hợp cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ đang diễn ra khá phổ biến ở các nền CNQP lớn.

Nga - Ấn Độ: Tập đoàn công nghiệp quân sự NPO Mashinostroyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ hợp tác chế tạo tên lửa hành trình không đối không siêu thanh BrahMos; dự kiến ra mắt vào năm 2024. Tên lửa BrahMos dựa trên nền tảng tên lửa tầm ngắn P-800 Onyx của Liên Xô trước đây; có thể đạt tốc độ bay từ 2,5-2,8 Mach (gấp 2,5 đến 2,8 lần tốc độ âm thanh), mang theo đầu đạn nặng tới 300kg và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300km. Ngoài việc chế tạo phiên bản không đối không của BrahMos, Nga và Ấn Độ còn đang nỗ lực nâng tốc độ bay cho loại tên lửa này lên 6-7 Mach trước năm 2028. Từ hình thức “mua - bán”, mô hình hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai bên được mở rộng sang hợp tác sản xuất thiết bị quân sự. Nga là nước duy nhất trong quá trình hợp tác kỹ thuật - quân sự với Ấn Độ không chỉ cấp giấy phép và chuyển giao công nghệ sản xuất mà còn tạo ra liên doanh sản xuất.      

Mỹ - Anh: Một thỏa thuận trị giá 265 triệu bảng Anh (tương đương 344 triệu USD) đã được ký kết, với sự hỗ trợ bảo trì và kỹ thuật tại cơ sở của hãng BAE Systems, Babcock International của Anh và Lockheed Martin của Mỹ tại Anh. Theo đó, các tàu ngầm lớp Astute của Anh sẽ được nâng cấp tên lửa Tomahawk phiên bản Block IV lên Block V để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Cuộc chạy đua phát triển thiết bị bay chiến đấu không người lái; vũ khí tự hành “lên ngôi”; tăng cường hợp tác quốc tế; cạnh tranh mở rộng thị phần; đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự cùng nỗ lực tối ưu hóa nền CNQP là những điểm nhấn quan trọng của CNQP thế giới năm 2022.

CẠNH TRANH MỞ RỘNG THỊ PHẦN

Giành giật thị trường: Theo giới quân sự, Mỹ đang muốn dùng “quyền lực mềm” để phá vỡ các hợp đồng vũ khí lớn giữa Nga và các nước với Ấn Độ. Mặc dù Mỹ và Ấn Độ đã đạt nhiều thỏa thuận đột phá trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, trong đó đáng kể nhất là việc Mỹ tuyên bố sẵn sàng chia sẻ những công nghệ quân sự hiện đại nhất cho Ấn Độ. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho rằng, họ đang bị lợi dụng để Mỹ gây sức ép lên quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật CAATSA (tháng 1/2018), cho phép áp đặt lệnh trừng phạt các công ty nước ngoài hợp tác với Nga, Iran và Triều Tiên trong lĩnh vực quốc phòng.

Đa dạng hóa cách thức: Nga giành giật thị phần vũ khí toàn cầu trong bối cảnh cuộc đua giành “miếng bánh” này ngày càng khốc liệt, với một số giải pháp phù hợp. Đầu tiên phải kể đến Nga đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững vị thế ở thị trường truyền thống cùng với thâm nhập những thị trường mới. Nga cũng thu hút khách hàng từ các cuộc triển lãm và hội thao quân sự quốc tế. Tại đây, Công ty xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport đã ký được nhiều hợp đồng có tổng giá trị hàng tỷ USD. Đặc biệt, Nga không gắn vấn đề chính trị trong việc chọn lựa khách hàng mua vũ khí, như thương vụ mua bán tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù giữa hai nước đang có mâu thuẫn về một số vấn đề. Nga cũng áp dụng mức giá cạnh tranh và sẵn sàng chia sẻ công nghệ. Tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS-2021, Nga trình làng máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate có giá khoảng 25-30 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với các loại máy bay chiến đấu của nước khác. Nga cho rằng, Su-75 Checkmate sẽ trở thành một giải pháp thực sự hiệu quả cho những quốc gia không thể mua máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Mỹ với giá 120 triệu USD. Thậm chí, Nga còn cung cấp các khoản vay để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mua vũ khí do nước này sản xuất. Ngoài ra, Nga tuyên bố sẵn sàng đồng tài trợ để phát triển các loại vũ khí triển vọng.

XUẤT KHẨU VŨ KHÍ, TRANG BỊ TĂNG CẢ QUY MÔ VÀ TỐC ĐỘ

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), năm 2021, Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu nhóm các nước xuất khẩu vũ khí, trang bị lớn nhất thế giới, chiếm 39% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu và tăng 14% trong giai đoạn 2017-2021. Nga tiếp tục đứng thứ hai, nhưng thị phần giảm xuống còn 19%. Pháp, Trung Quốc và Đức lần lượt ở các vị trí tiếp theo trong top 5. Đáng chú ý, Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ 8 còn Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.


Tiêm kích Rafale (Pháp) mang theo tên lửa đánh chặn MICA.  Ảnh: Internet

Trong khi đó, năm 2022 tiếp tục là một năm thành công của Hàn Quốc khi nước này ký được nhiều hợp đồng bán vũ khí với tổng trị giá 20 tỷ USD, tăng gần 10 lần so với năm 2012. Theo giới chức Hàn Quốc, thành công trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc dựa trên khả năng sản xuất thiết bị quân sự có công nghệ trung bình nhưng chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, để từng bước cải thiện vị trí trên thị trường vũ khí toàn cầu, nước này tiếp tục thực hiện hai giải pháp căn cơ là: tăng đầu tư cho sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; cải thiện quan hệ với các khách hàng Trung Đông như A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Israel.

Năm 2022 tiếp tục là một năm thành công của Hàn Quốc khi nước này ký được nhiều hợp đồng bán vũ khí với tổng trị giá 20 tỷ USD, tăng gần 10 lần so với năm 2012.                 

       (Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm)

Có thể thấy, bức tranh CNQP thế giới năm 2022 rất đa sắc; trong đó, việc hiện đại hóa hệ thống sản phẩm, mở rộng và lưỡng dụng hóa sản xuất là những xu thế chủ đạo của hầu hết các nền CNQP trên thế giới hiện nay.

Đại tá ĐOÀN MẠNH HÙNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: