Tin tổng hợp

CNQP&KT - Suốt gần 3 thập kỷ qua, Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) luôn khẳng định vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị quân sự, trở thành “đế chế tỷ đô” hùng mạnh nhất thế giới ở lĩnh vực này.

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Tập đoàn Lockheed Martin (Lockheed Martin Corporation) là nhà tổng thầu thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn của Bộ Quốc phòng Mỹ; chuyên chế tạo các loại máy bay, tên lửa, vệ tinh, khí tài, hệ thống phòng thủ và phát triển công nghệ quân sự tiên tiến, phục vụ cho các lực lượng vũ trang Mỹ và xuất khẩu. Tập đoàn được thành lập vào tháng 3/1995 trên cơ sở sáp nhập 2 trong số những doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ là Lockheed và Martin Mariette; hoạt động trên bốn lĩnh vực chính là hàng không, tên lửa và kiểm soát hỏa lực, hệ thống phòng thủ tên lửa, không gian. Trước khi sáp nhập, Công ty Lockheed sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) phục vụ Chiến tranh thế giới lần thứ hai và Chiến tranh Lạnh, như: máy bay ném bom, chiến đấu cơ P-38 Lightning, C-130, C-141, C-5, F-104 và F-117... Còn Công ty Martin Mariette tham gia thị trường với các sản phẩm nổi bật, gồm: máy bay B-26 Marauder, tên lửa Titan, tàu con thoi, tàu đổ bộ không gian Viking 1 và 2...

Năm 1996, Tập đoàn hoàn tất thương vụ mua lại Loral Corporation (gồm 9 công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng của các tập đoàn lớn như IBM, Xerox và Ford) với giá 9,1 tỷ USD; qua đó, mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị phần. Bước vào thập niên 2000, Lockheed Martin tạo dựng tên tuổi thông qua hàng loạt sản phẩm tiêu biểu gồm máy bay chiến đấu đa năng F-16 Fighting Falcon, máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules, máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion, máy bay trinh sát U-2 và SR-71, vệ tinh DSCS-3. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự hợp tác của Lockheed Martin với Công ty Boeing (Mỹ) trong sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor; chuyển nhượng hệ thống điện tử hàng không vũ trụ cho Tập đoàn BAE Systems (Anh)…

Đến nay, tên tuổi Lockheed Martin “phủ sóng” khắp thị trường vũ khí toàn cầu, với đủ chủng loại sản phẩm. Từ các loại máy bay tàng hình, tiêm kích, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, pháo phản lực phóng loạt (M270) đến hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), hệ thống chiến đấu tích hợp Aegis, tên lửa đẩy Atlas, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm Trident, hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 và THAAD, các loại vệ tinh quân sự (vệ tinh liên lạc Milstar, vệ tinh khoa học)… Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2000 đến nay, Lockheed Martin liên tục dẫn đầu thế giới về doanh số, lợi nhuận kinh doanh vũ khí, trang bị quân sự. Tính riêng trong năm 2020, tổng doanh số bán hàng quân sự của Lockheed Martin đạt 58,2 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt hơn 5 tỷ USD. Đáng chú ý, bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu, hãng vẫn đạt mức tăng trưởng 7,7% so với năm 2019, trong khi nhiều tập đoàn lớn khác tăng trưởng âm (hãng Raytheon -5,7%; Boeing -5,8%...).


Hệ thống chiến đấu tích hợp Aegis trang bị trên tàu tuần dương.   Ảnh: Internet

Một trong những nét nổi bật của Lockheed Martin là hãng có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Tính đến tháng 1/2022, Tập đoàn có 114.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60.000 kỹ sư và nhà khoa học. Về cơ cấu lãnh đạo Tập đoàn gồm Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính và Phó chủ tịch điều hành (EVP) chịu trách nhiệm quản lý các chương trình, dự án trong từng lĩnh vực. Đối với mỗi chương trình, đội ngũ nhân sự được tổ chức thành 4 cấp từ trên xuống dưới, gồm: quản lý; nhóm chức năng (tài chính, kỹ thuật, kiểm định chất lượng, vận hành…); nhóm sản phẩm tích hợp (phát triển hệ thống vũ khí) và nhóm phát triển sản phẩm chi tiết. Để vận hành quy trình sản xuất - kinh doanh quy mô lớn, Tập đoàn áp dụng hiệu quả chương trình Lãnh đạo toàn diện và Lockheed Martin LM21, với các nội dung được xây dựng dựa trên nguyên tắc Six Sigma (cải tiến quy trình kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, loại bỏ hao phí và giảm tối đa lỗi mắc phải), quy trình LEAN (sản xuất tinh gọn), phương pháp Duy trì năng suất toàn diện (TPM)…

Trong quá trình phát triển, ngoài những thành tựu đạt được, Lockheed Martin cũng vướng phải nhiều tai tiếng. Trong đó, phải kể đến việc hãng đã hối lộ một số quan chức Chính phủ nước ngoài để bán các loại máy bay chiến đấu trong những năm 1990. Ngoài ra, hãng cũng nhận chỉ trích nặng nề về dự án sản xuất máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Lightening II (Joint Strike Fighter - JSF). Nguyên do là bởi chiếc máy bay này chưa hoàn chỉnh nhưng đã được bán với mức giá tăng gần gấp đôi; cùng nhiều vướng mắc về tài chính, kỹ thuật và công nghệ. Dù vậy, với nền tảng vững chắc, tiềm lực mạnh mẽ cùng sự hậu thuẫn từ Chính phủ Mỹ, Lockheed Martin vẫn vượt qua mọi “sóng gió” và tăng trưởng đều qua các năm.

 

Từ năm 2000 đến nay, Lockheed Martin liên tục dẫn đầu thế giới về doanh số, lợi nhuận kinh doanh vũ khí, trang bị quân sự. Tính riêng trong năm 2020, tổng doanh số bán hàng quân sự của Lockheed Martin đạt 58,2 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt hơn 5 tỷ USD, tăng trưởng 7,7% so với năm 2019.

       (Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm)

NHỮNG BƯỚC ĐI MỚI

Những năm gần đây, Lockheed Martin cũng dẫn đầu trong cuộc chạy đua phát triển vũ khí công nghệ cao. Tháng 7/2022, Không quân Mỹ đã phóng thử thành công 2 tên lửa siêu vượt âm do Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo. Theo đó, máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52 đã khai hỏa vũ khí phản ứng nhanh trên không ARRW AGM-183A. Tên lửa AGM-183A an toàn khi tách khỏi máy bay, có thể đạt được tốc độ siêu vượt âm khi vận hành; di chuyển trong tầng khí quyển với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tương đương 6.200km/h. Mới đây nhất, vào tháng 9 vừa qua, Lockheed Martin thử nghiệm thành công loại vũ khí laser có công suất lên đến 300kW - mức cao nhất thế giới hiện nay. Vũ khí này được nghiên cứu chế tạo theo chương trình “Sáng kiến mở rộng quy mô laser năng lượng cao (HELSI)” của Lầu Năm Góc, trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp năng lượng định hướng (DEW). Vũ khí laser mới sử dụng cấu trúc kết hợp chùm quang phổ, là hệ thống phòng thủ hiệu quả trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. Thành công này đã mở ra hướng phát triển mới cho hãng trong chế tạo các loại vũ khí năng lượng định hướng, sử dụng tia laser, vi sóng và chùm hạt công suất cao.


Hệ thống radar định vị cơ động tầm xa Q-53.   Ảnh: Internet

Không chỉ là nhà tổng thầu quân sự số một thế giới, Lockheed Martin còn khẳng định tên tuổi ở lĩnh vực dân dụng với các thiết bị chăm sóc sức khỏe; hệ thống tái tạo và phân phối năng lượng thông minh; vệ tinh viễn thông, dự báo thời tiết; lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thương mại. Trong lĩnh vực hàng không, hãng từng sản xuất máy bay thương mại vận hành bằng cánh quạt Super Constellation, máy bay phản lực thương mại JetStar… Ở lĩnh vực không gian, Lockheed Martin xây dựng và lắp đặt kính viễn vọng không gian Hubble (được đưa bằng tàu con thoi vào quỹ đạo năm 1990). Tháng 4/2019, hãng phóng thành công vệ tinh Arabsat-6A, là 1 trong 2 vệ tinh liên lạc thương mại tiên tiến nhất do hãng chế tạo (cùng với SaudiGeoSat-1/HellasSat-4). Ngoài ra, Lockheed Martin ký kết với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) nhiều hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ USD; nổi bật là chế tạo các tàu con thoi mới đưa người lên vũ trụ; cung cấp dịch vụ vận chuyển trang-thiết bị lên Mặt Trăng; đưa các mẫu vật từ Sao Hỏa về Trái Đất…


Trạm vũ trụ quỹ đạo Trái Đất tầm thấp thương mại Starlab do Lockheed Martin chế tạo và lắp đặt, dự kiến hoạt động vào năm 2027.   Ảnh: Internet

Qua gần 3 thập kỷ với những thành tựu và sự phát triển vượt bậc, Tập đoàn Lockheed Martin được giới chuyên gia quân sự đánh giá là “quá lớn để sụp đổ” bởi hãng giữ vai trò chủ đạo, là biểu tượng và niềm tự hào của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.

ANH KHÔI

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: