Tin tổng hợp

CNQP&KT - Bất cứ giai đoạn nào, dù là thời chiến hay thời bình, nhất thiết phải đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, phòng, chống cháy nổ; coi đây là ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành.

Sản xuất quốc phòng là một ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến các loại hóa chất độc hại, dễ cháy nổ, có thể gây ra những tai nạn khó lường. Không những thế, hệ lụy từ các sự cố là rất dai dẳng, phức tạp. Trên thực tế, đã từng có những “bài học xương máu” về sự cố mất an toàn trong sản xuất tại các đơn vị, trong đó có những nhà máy bị thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản…

Cần khẳng định, ngoài những nguyên nhân khách quan như nhiều dây chuyền sản xuất lạc hậu, xây dựng từ lâu; kinh phí bảo đảm cho nâng cấp, sửa chữa hạn chế; điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, dễ dẫn tới các phản ứng hóa học và vật lý, làm phát sinh các hiện tượng gây cháy nổ ngoài tầm kiểm soát, thì còn có những nguyên nhân chủ quan, thường gắn với trách nhiệm của con người. Đó là những hạn chế, tồn tại trong việc tuân thủ quy trình công nghệ, kỷ luật sản xuất, các quy định bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ… Cùng với đó, trình độ năng lực của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật an toàn ở một số đơn vị còn hạn chế, dẫn đến chất lượng rà soát, phát hiện các tồn tại về công tác bảo đảm an toàn chưa cao. Nhiều đơn vị do áp lực về kế hoạch, tiến độ sản xuất nên đã buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thậm chí hạ thấp các tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn tới những sự cố ngoài ý muốn.

Những năm gần đây, nhất là từ khi có Nghị quyết số 195-NQ/ĐU ngày 8/7/2016 của Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (gọi tắt là Nghị quyết 195) về lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất, công tác này đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, Nghị quyết đã nhấn mạnh tính chất “quan trọng hàng đầu” của việc đảm bảo an toàn trong sản xuất, coi đó vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài; phải được triển khai tại tất cả các đơn vị, ở tất cả các loại hình sản xuất - từ nghiên cứu thiết kế, chế thử, sản xuất, thử nghiệm đến vận chuyển, bảo quản vật tư, sản phẩm quốc phòng và kinh tế; trọng tâm là các đơn vị liên quan trực tiếp đến sản phẩm, loại hình sản xuất dễ cháy nổ, có nguy cơ mất an toàn cao (như các khu vực sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, ngòi, liều, hỏa cụ, đạn dược…). Kết quả của việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 195 là rất tích cực, khả quan. Nhận thức về vai trò, nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong sản xuất tại các đơn vị đã được nâng lên; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác giám sát, kiểm tra an toàn tại cơ quan Tổng cục và đơn vị được củng cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức có hiệu quả các đợt rà soát toàn bộ công trình, thiết bị, phương tiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; tích cực đầu tư nâng cấp các dây chuyền sản xuất và đã cơ bản khắc phục xong các tồn tại, nhược điểm về công tác bảo đảm an toàn. Các đơn vị đều tuân thủ đúng nguyên tắc “không bảo đảm an toàn thì không sản xuất”.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP đang tích cực triển khai Kế hoạch số 1648/KH-CNQP thực hiện Kết luận của Đảng ủy Tổng cục về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 195 lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất. Một nội dung quan trọng trong Kế hoạch là tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong sản xuất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động, bảo vệ tài sản của Nhà nước, Quân đội và nhân dân; khắc phục triệt để tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu ý thức chấp hành các nguyên tắc, quy định về bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ. Xác định cụ thể những việc “cần làm ngay”, như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về bảo đảm an toàn trong sản xuất; huấn luyện, đào tạo về công tác an toàn; tăng cường rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn môi trường; tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống bảo đảm an toàn. Đáng chú ý, Kế hoạch đề cập tới việc duy trì phát phiếu lấy ý kiến của người lao động về các nguy cơ có thể gây mất an toàn trong từng nguyên công, công đoạn sản xuất để nâng cao ý thức tự giác trong chấp hành quy tắc an toàn. Đồng thời, khuyến khích người lao động tham gia đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ. Việc xác định các nội dung liên quan đến người lao động, chủ thể trong hoạt động sản xuất quốc phòng, chính là giải pháp thiết thực và đúng đắn nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa công tác bảo đảm an toàn.

Bất cứ giai đoạn nào, dù là thời chiến hay thời bình, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP nhất thiết phải đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, phòng, chống cháy nổ; phải coi đây là ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành. Trong đó, luôn quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc đã được nêu trong Nghị quyết số 195 của Đảng ủy Tổng cục CNQP: “Không bảo đảm an toàn thì không sản xuất”.

NHẤT NGÔN

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: