Tin cơ sở

CNQP&KT - Là một trong những nhà máy Quân giới ra đời sớm nhất tại Việt Nam, trong hành trình phát triển, Nhà máy Z111 đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (19/3/1957-19/3/2022), Đại tá, Tiến sĩ Phan Thị Hoài Vân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 11 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z111), sẽ giúp bạn đọc Tạp chí CNQP và Kinh tế hiểu rõ hơn về hành trình tạo nên thương hiệu và những định hướng lớn trên chặng đường mới của một đơn vị 2 lần Anh hùng.

    VƯỢT MỌI KHÓ KHĂN ĐỂ SẢN XUẤT VŨ KHÍ PHỤC VỤ CHIẾN TRƯỜNG

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Trước khi vào chủ đề chính, xin hỏi, là cán bộ nữ duy nhất trong Tổng cục CNQP “ngồi ghế”  Bí thư và Chủ tịch một doanh nghiệp có bề dầy truyền thống, đồng chí có cảm thấy áp lực?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: (Cười) Trước tiên, xin cảm ơn Ban biên tập Tạp chí CNQP và Kinh tế đã tạo cơ hội để tôi được bộc bạch đôi điều nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống đơn vị.

Về câu hỏi của nhà báo, tôi nghĩ rằng, được cấp trên tin tưởng giao đảm nhiệm cương vị lãnh đạo của một đơn vị có bề dày truyền thống như Z111, thực sự đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với bản thân. Đương nhiên, với trọng trách ấy thì không thể không có những áp lực. Điều trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao để người lao động luôn có việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống không ngừng được cải thiện, nâng cao; đặc biệt là phải nỗ lực cùng với Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đưa đơn vị tiếp tục phát triển lớn mạnh, ngày càng tiên tiến, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành CNQP.


Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân.  Ảnh: PV

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Trở lại với nội dung chính, xin đồng chí nói vắn tắt về quá trình ra đời của Nhà máy Z1, tiền thân của Nhà máy Z111 hiện nay, nhất là những nỗ lực vượt khó của cán bộ, công nhân viên trong thời kỳ đầu xây dựng?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Tôi xin nói vắn tắt thế này: Nhà máy Z111 được thành lập ngày 19 tháng 3 năm 1957 với tên gọi ban đầu là Z1. Tháng 6 năm 1967, Nhà máy Z1 được đổi tên thành Nhà máy V111, và đến tháng 7 năm 1975, phiên hiệu V111 đổi tên thành Nhà máy Z111.

Quá trình phát triển có thể chia thành 3 giai đoạn: Từ 1957 đến năm 1975 là giai đoạn thành lập và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Nhà máy vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Từ năm 1975 đến năm 1985, là giai đoạn Nhà máy tập trung sản xuất, bảo đảm các loại vũ khí cho Quân đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và góp phần xây dựng đất nước; Giai đoạn từ 1985 đến nay, Nhà máy kiện toàn tổ chức, mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất kinh tế, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời nỗ lực cùng các doanh nghiệp quân đội tích cực tham gia sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể nói, những gian khổ, hiểm nguy, thậm chí cả sự hy sinh, là không thể kể hết. Tôi chỉ xin đơn cử, trong 8 năm (từ năm 1965 đến năm 1972), Nhà máy đã 2 lần phải sơ tán để tránh các cuộc tập kích của Không quân Mỹ. Mỗi lần di chuyển nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, nơi ăn chốn ở của cán bộ, công nhân… là những nỗ lực vượt khó, chủ yếu là bằng sức người. Thế nhưng cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chung sức, đồng lòng, ngày đêm hăng say lao động sản xuất, kịp thời cung cấp vũ khí cho các chiến trường đánh giặc.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, tính chất đặc thù của Z111 so với các nhà máy quốc phòng khác là gì?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Có thể nói, Z111 là nhà máy duy nhất trong Quân đội làm nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí bộ binh nòng có rãnh xoắn đến 12,7mm trang bị cho lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Đồng chí có thể nêu một vài chiến công của Nhà máy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Dù điều kiện sản xuất còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần “Tay búa, tay súng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nhà máy vẫn ngày đêm hăng say lao động sản xuất, kịp thời cung cấp nhiều loại vũ khí cho chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tiểu đoàn tự vệ của Nhà máy còn bắn rơi tại chỗ 1 máy bay trinh sát RF101 của địch. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị bạn bắn rơi 7 máy bay khác. Những chiến công đó đã tô đẹp thêm truyền thống vừa sản xuất, vừa chiến đấu của đơn vị. Ghi nhận những thành tích và chiến công của đơn vị, tháng 8 năm 1970, Nhà máy đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Z111 cũng là nhà máy đầu tiên của ngành Quân giới được phong tặng danh hiệu này.


Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí Chính xác 11, kiểm tra phân xưởng sản xuất hàng quốc phòng.     Ảnh: CTV

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Sau chiến tranh chống Mỹ, Nhà máy đã vượt khó như thế nào, nhất là việc thích nghi với cơ chế mới?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Sau năm 1975, nhiệm vụ sản xuất vũ khí từng bước giảm dần, đòi hỏi Nhà máy phải chuyển hướng sản xuất. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng và mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, khi việc xây dựng cơ bản hoàn thành thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Vì vậy, tháng 3 năm 1979, đơn vị phải thực hiện cuộc tổng di chuyển chiến lược từ Yên Bái về Thanh Hóa. Chỉ trong vòng 3 tháng, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã hoàn thành việc tháo dỡ, vận chuyển hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu; di chuyển hàng trăm gia đình với hàng nghìn quân nhân cùng phương tiện sinh hoạt vượt qua quãng đường gần 500km tới địa điểm mới an toàn.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vừa mới ổn định sau đợt di chuyển lớn, Nhà máy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 1985-1989, tỷ trọng hàng quốc phòng thấp, các mặt hàng kinh tế khó tiêu thụ do địa bàn xa xôi, cách trở, thiết bị cũ kỹ, xuống cấp… Song, nhờ sự lãnh đạo, giúp đỡ của cấp trên và đặc biệt là nỗ lực vượt khó của cán bộ, công nhân Nhà máy, đơn vị đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và từng bước phát triển.

Có được một Nhà máy Z111 như ngày hôm nay, tôi càng thấu hiểu hơn sức mạnh của hai từ “truyền thống”. Và mỗi khi nhắc lại, mọi cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy, trong đó có tôi, luôn cảm thấy tự hào và trân trọng truyền thống vẻ vang đó.

 

THỰC HIỆN TỐT KẾT HỢP QUỐC PHÒNG VỚI KINH TẾ

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Là nhà máy CNQP nòng cốt, những năm gần đây, Z111 đã đạt được những thành tựu cơ bản gì trong đổi mới, phát triển?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Như tôi đã đề cập, là nhà máy duy nhất trong Quân đội làm nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí bộ binh nòng có rãnh xoắn đến 12,7mm, trong những năm gần đây, Nhà máy Z111 đã chủ động, nỗ lực hoàn thành sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, Nhà máy đã nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, trang bị mới, với tính năng ngày càng hiện đại góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng so với nhập khẩu.

Cùng với đó, thực hiện quan điểm của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, Nhà máy đã đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, với nhiều mặt hàng có giá trị phục vụ nền kinh tế quốc dân. Nói cách khác, chúng tôi đang từng bước đi bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin đồng chí nói rõ hơn về việc đi bằng “hai chân” của Nhà máy? 

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Nhà máy Z111 luôn xác định, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài, góp phần quan trọng vào việc duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, giữ gìn đội ngũ lao động. Vì vậy, cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy đã tận dụng tối đa công suất dôi dư, trình độ công nghệ, khai thác tốt tính lưỡng dụng của các trang, thiết bị sẵn có sản xuất được nhiều mặt hàng phục vụ nền kinh tế trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tập trung phát triển ở các lĩnh vực: Phụ tùng cơ khí cung cấp cho các ngành dầu khí, xi măng, giấy, công nghiệp thực phẩm, lắp ráp và sửa chữa ô tô…; sản phẩm nhựa gia dụng và công nghiệp; xây dựng công trình; khai thác và chế biến các sản phẩm từ đá thiên nhiên. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về năng lực, thiết bị đã được đầu tư của dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới, Nhà máy đã phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để ký kết và triển khai các hợp đồng xuất khẩu bán thành phẩm vũ khí, trước mắt thực hiện trong 5 năm với đối tác Israel, tổng giá trị khoảng 70 triệu USD.

Tôi xin cung cấp cho nhà báo một thông tin đó là: Tổng giá trị doanh thu trong sản xuất kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 đạt hơn 1.068 tỷ đồng, tăng 296,9% so với giai đoạn 2010-2015. Tỷ trọng doanh thu kinh tế trong tổng doanh thu bình quân trong 5 năm đạt 36,3%/năm. Tiêu biểu là năm 2017, tỷ trọng doanh thu kinh tế vượt lên trên quốc phòng, chiếm 58,2% trong tổng doanh thu.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Bất cứ đơn vị nào, khi đánh giá đều có “mặt được” và “mặt cần khắc phục”. Vậy đối với Nhà máy Z111, đâu là những “điểm nghẽn” cần khai thông trong thời gian tới?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Theo tôi, vấn đề cần khai thông đầu tiên đó là tư duy của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện, đặc biệt là tư duy trong việc phát triển sản xuất kinh tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của trên, năng lực sản xuất của Nhà máy đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc khai thác các thiết bị này để phát triển sản xuất các mặt hàng kinh tế còn chưa nhiều, chủ yếu là sản xuất ra các sản phẩm chúng ta có, mà chưa sản xuất những mặt hàng thị trường cần. Thứ hai, đó là chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng để thu hút, giữ gìn và phát huy được năng lực, trình độ và nhiệt huyết đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong đơn vị. Thứ ba, đó là chưa tiếp cận và áp dụng có hiệu quả các phương pháp, mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến nhằm giảm chi phí quản lý, tránh lãng phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.

“Bất cứ khi được giao nhiệm vụ gì, bản thân cũng phải luôn nỗ lực cao nhất, cố gắng lớn nhất; biết học hỏi, lắng nghe, tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước; biết tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp trên; biết phát huy vai trò của tập thể...”.

(Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân)

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Nghị quyết 820 của Quân ủy Trung ương mới đây có đề cập đến việc cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của doanh nghiệp quân đội, vậy Nhà máy đã có những định hướng lớn gì trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là sản phẩm kinh tế xuất khẩu, theo tôi, vấn đề trước hết là phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, chú trọng xây dựng hình ảnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác chiến lược, có khả năng hợp tác lâu dài. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp trên để tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý trong xuất khẩu sản phẩm quốc phòng. Đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm theo hướng đa năng, hiện đại, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm vũ khí mang thương hiệu Việt Nam.

Cùng với đó, tiếp tục khai thác có hiệu quả các thiết bị đã được đầu tư; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học công nghệ; chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện “đi tắt đón đầu” trong một số lĩnh vực, công nghệ lưỡng dụng đặc thù, tạo chuyển biến và bước ngoặt về năng lực thiết kế, chế tạo các sản phẩm có tính đột phá. Quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển.


Công nhân Nhà máy Z111 sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại mới được đầu tư.   Ảnh: TUẤN MINH

 

PHẤN ĐẤU SẢN XUẤT NHIỀU SẢN PHẨM VŨ KHÍ MỚI

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin hỏi một câu mang tính cá nhân, là phụ nữ thì không chỉ “giỏi việc nước” mà còn phải “đảm việc nhà”. Việc cân đối hài hòa “hai việc” này có khó đối với đồng chí?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: (Cười) Đây là một câu hỏi rất thú vị. Nhà báo cũng đã biết, đối với người phụ nữ, ngoài công việc chung với xã hội, họ còn phải đảm nhiệm thiên chức của một người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Do đó, tôi luôn cố gắng sắp xếp, cân đối công việc một cách khoa học và hợp lý để có thời gian dành cho gia đình; sao cho các con không cảm thấy thiếu vắng hơi ấm và sự quan tâm của mẹ. Rất may, mọi người trong gia đình cũng rất hiểu và thông cảm để tôi có thể hoàn thành tốt công việc của đơn vị.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Là một trong số ít cán bộ nữ của Tổng cục CNQP vừa có mặt trong buổi vinh danh Phụ nữ Quân đội tiêu biểu giai đoạn 2012-2022. Đó là niềm tự hào mà không phải ai cũng có được. Đồng chí có thể bật mí bí quyết thành công trong công việc là gì?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Tôi là một trong 3 phụ nữ của Tổng cục CNQP được Bộ Quốc phòng vinh danh trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua. Đó thực sự là niềm vinh dự, tự hào và động lực to lớn để tôi tiếp tục phấn đấu. Còn nói về bí quyết, thực sự tôi chỉ nghĩ, bất cứ khi được giao nhiệm vụ gì, bản thân cũng phải luôn nỗ lực cao nhất, cố gắng lớn nhất; không ngừng học hỏi, lắng nghe, tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước; tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp trên; phát huy vai trò của tập thể, và không thể không nhắc tới sự ủng hộ, giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè, người thân…

Tôi cũng tâm niệm rằng, dù đảm nhiệm công việc gì cũng phải luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, phải có cái tâm trong sáng và cái tầm vì “đại cục”, vì “cái chung”...

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Vâng! Vậy về “đại cục”, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Nhà máy xác định những mục tiêu quan trọng gì để có bước phát triển đột phá?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà máy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu bán thành phẩm, tiến tới xuất khẩu sản phẩm vũ khí. Đặc biệt, phấn đấu trong nhiệm kỳ phát triển thêm một số sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, mức tăng trưởng bình quân về giá trị doanh thu từ 6%/năm trở lên, giá trị tăng thêm bình quân tăng trên 5%/năm; nộp ngân sách bình quân tăng trên 6%/năm; lợi nhuận bình quân tăng trên 5,3%/năm. Đến năm 2025, Nhà máy nằm trong Top “doanh nghiệp nghìn tỷ”, doanh thu đạt trên 1.200 tỉ đồng, thu nhập bình quân trên 16,3 triệu đồng/người/tháng.

Một mục tiêu cũng rất quan trọng đó là phấn đấu xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng tổ chức biên chế Nhà máy theo hướng “tinh-gọn-mạnh”, phù hợp với quy mô phát triển.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Z111 phấn đấu phát triển thêm một số sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, mức tăng trưởng bình quân về giá trị doanh thu từ 6%/năm trở lên, giá trị tăng thêm bình quân tăng trên 5%/năm; lợi nhuận bình quân tăng trên 5,3%/năm; đến năm 2025, nằm trong Top “doanh nghiệp nghìn tỷ”.

(Nguồn: Phòng Chính trị, Nhà máy Z111)

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Truyền thống là một dòng chảy kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, vậy những di sản “phi vật thể” mà các thế hệ đi trước gây dựng cho thế hệ Nhà máy Z111 hôm nay là gì?

Đại tá, TS. Phan Thị Hoài Vân: Thuộc lớp thế hệ kế thừa và tiếp nối, bản thân tôi luôn trân trọng, khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Z111 - những người đã đặt nền móng vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển của Nhà máy. Cùng với những giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống của Ngành Quân giới-CNQP Anh hùng, Nhà máy Z111 đã xây dựng và vun đắp nên giá trị truyền thống Z111, được đúc kết bằng 16 chữ: “Đoàn kết - Sáng tạo - Tự lực - Vượt khó - Chủ động - Kịp thời - Hội nhập - Phát triển”. Tôi nghĩ, đó là những di sản “phi vật thể” của Nhà máy và hơn thế, đó còn là “sức mạnh mềm”, góp phần tạo thêm động lực, khơi dậy niềm tự hào để cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động Nhà máy hôm nay phấn khởi, tin tưởng, gắn bó xây dựng đơn vị phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin cảm ơn đồng chí!  

LÊ THIẾT HÙNG (Thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: