Tin tổng hợp

CNQP&KT - Trong hoàn cảnh và điều kiện cực kỳ khó khăn nơi núi rừng Việt Bắc, ngành Luyện kim non trẻ nước ta được sinh ra từ Binh công xưởng H52 đã sản xuất được mẻ thép đầu tiên, kịp thời phục vụ kháng chiến.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sản xuất vũ khí, đạn dược của Quân giới ngày càng nhiều nên yêu cầu về nguồn nguyên - vật liệu cũng ngày càng lớn. Trong khi đó, sau khoảng 6 năm (1945-1951) khai thác, nhiều nguồn nguyên - vật liệu cho sản xuất vũ khí đã không còn dồi dào như trước. Để khắc phục tình trạng này, ta chủ trương xây dựng một số cơ sở sản xuất gang, thép. Đầu năm 1951, Cục Quân giới giao cho Viện Nghiên cứu kỹ thuật Quân giới và Binh công xưởng H52 nghiên cứu, xây dựng các lò luyện thép. Đến tháng 10/1951, công việc thí nghiệm sản xuất thép tại Viện cơ bản hoàn thành.

Trong khi Viện Nghiên cứu kỹ thuật Quân giới nghiên cứu thực nghiệm sản xuất thép, thì tại Binh công xưởng H52 ở Bản Thi (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) gấp rút tổ chức chuẩn bị cho sản xuất thử thép, như: thiết kế lò, chuẩn bị địa điểm, vật tư, xây dựng trạm cấp điện… Đến tháng 11/1951, Xưởng H52 cùng Viện xây dựng một lò sản xuất thép lớn. Việc chế tạo lò của Xưởng ở Bản Thi chủ yếu dựa trên kết quả thí nghiệm của Viện ở Nà Lằng (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) nhưng có nhiều thuận lợi, như: công suất máy phát điện ở Bản Thi lớn hơn và việc cấp điện được qua máy biến thế nên ổn định hồ quang; đồng thời chế tạo các cuộn cảm kháng trong mạch điện đơn giản hơn so với lò thí nghiệm. Do lò lớn nên việc thiết kế chế tạo về hình dáng bên trong, cơ cấu quay lò, cách chế tạo nắp lò... đều có sự nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Nhờ sự lao động khẩn trương của cán bộ, công nhân Binh công xưởng H52, sau một thời gian, lò được xây dựng xong và mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, lò hồ quang hoạt động ổn định, chế độ nhiệt bảo đảm, nước thép chảy loãng... Trong quá trình nấu luyện, nhờ có kinh nghiệm luyện gang từ trước nên công nhân đã điều khiển tốt. Tuy nhiên, đến khâu đúc, nhiệt độ chảy lỏng của thép cao hơn gang, quá trình đông kết cũng khác nên thời gian đầu sản phẩm chưa được hoàn chỉnh, thường bị thiếu hụt kích thước, bề mặt rỗ. Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, cuối cùng, Xưởng đã đúc ra sản phẩm bằng thép đạt tiêu chuẩn, đúng mẫu thiết kế và có thể sử dụng được ngay.


Xưởng diêm tiêu thuộc Xưởng Hóa chất H52 do Quản đốc Ngô Gia Khảm điều hành trong rừng thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Ảnh: TL

Sản xuất thử nghiệm được một thời gian ngắn thì Xưởng H52, trạm thủy điện ở Bản Thi và các xưởng xung quanh bị máy bay địch ném bom, thiệt hại về vật chất khá lớn. Đoạn kênh dài hàng chục mét dẫn nước vào bể chứa của trạm thủy điện bị phá; ống dẫn nước bằng thép từ bể chứa xuống tuabin bị phá đứt chỗ nối, tuabin và máy phát điện bị chấn động. Việc khắc phục tuabin chỉ cần rà, chỉnh trong một đêm, còn việc đắp lại các bờ kênh dẫn nước phải mất khá nhiều công sức. Không có xi măng, công nhân Xưởng H52 phải dùng cọc tre, phên nứa dựng lên, sau đó đổ đất lèn kỹ. Lúc đầu vì muốn nhanh nên lấy đất ở gần. Khi tháo nước vào kênh, đất thấm nước rữa ra, chảy hết nên phải làm lại. Lần sau, lấy đất sét ở xa hơn, lèn, đầm thật kỹ nên dòng nước lại theo bờ kênh mới đổ vào bể chứa. Sau khi ống dẫn nước bằng thép sửa chữa xong, đưa nước xuống quay tuabin và dòng điện lại sẵn sàng cho sản xuất thép.

Trong hơn một năm, Phân xưởng đúc đã sản xuất thép bằng lò điện hồ quang, cung cấp cho chiến trường 25.000 sản phẩm quân cụ, phục vụ công binh và dân công hỏa tuyến mở đường cho bộ đội hành quân, kéo pháo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuối năm 1953 là thời gian đầy gian nan thử thách trong việc chuyển giao sản xuất thép, vì cả nước tập trung toàn lực phục vụ cho Chiến cục Đông Xuân (1953 - 1954). Lực lượng sản xuất thép lần lượt được điều về Viện Nghiên cứu kỹ thuật Quân giới để nhận nhiệm vụ mới. Tuy lực lượng sản xuất thiếu, nhưng việc sản xuất thép của Binh công xưởng H52 vẫn rất khẩn trương vì chiến trường đang cần nhiều quân cụ. Để sản xuất an toàn, trạm biến thế, lò điện và các thiết bị kèm theo được di chuyển đến một khu rừng sâu, cách địa điểm cũ khoảng từ 1 đến 2km.

Công việc tháo dỡ trạm biến thế và chuyển đến lắp đặt trong một khe núi rất vất vả, khi phương tiện vận chuyển chỉ có kích và xe goòng. Khó khăn nhất là việc tháo và đặt lại đường dây cao thế từ trạm thủy điện đến lò thép ở địa điểm mới. Đường dây đi qua rừng, không đủ sứ cao thế nên phải dùng tạm cả sứ hạ thế; sử dụng cột điện thoại ghép lại làm cột điện cao thế, thiếu thì dùng luôn cây rừng. Ở trên đỉnh núi, nơi ít người qua lại, có đoạn đường dây chỉ cách mặt đất khoảng 1m. Có lần vì dây điện cao thế quá thấp nên một con báo đi qua chạm vào bị điện giật chết. Một lần khác vào lúc nửa đêm, sét đánh đứt dây điện, thiết bị bảo vệ không được cắt, lại không có phương tiện báo tin cho trạm thủy điện nên dây rơi xuống cây rừng, phóng điện loẹt xoẹt suốt đêm. Toàn bộ việc di chuyển, xây lắp lại lò điện ở nơi sơ tán, xây dựng công xưởng, lán trại, nhà ăn... đều do cán bộ, công nhân Phân xưởng đúc, Binh công xưởng H52 và Viện Nghiên cứu kỹ thuật Quân giới thực hiện với sự hỗ trợ của đồng bào dân tộc.

Sau hơn hai tháng vừa di chuyển, vừa xây dựng, Phân xưởng đúc thép do đồng chí Ngô Gia Khảm phụ trách đã hoàn thành và bước vào giai đoạn sản xuất chính thức. Sản phẩm đúc ra lò ngày càng nhiều thì việc bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất càng trở nên cấp bách. Rất may, bên cạnh Phân xưởng đúc có xưởng rèn, nguồn thép phế liệu đang dồi dào. Thép phế liệu được cho vào xe goòng chuyển về Phân xưởng đúc. Do phải sử dụng nguyên liệu sạch nên việc đánh gỉ mất nhiều công sức và thời gian, nếu làm bằng tay thì không kịp. Xưởng đã có sáng kiến là tận dụng thùng nghiền thuốc đen sẵn có, cho phế liệu vào quay. Những mảnh tôn, sắt vụn phế thải va đập vào nhau đã tẩy hết gỉ sắt, bụi bẩn. Một khó khăn nữa là nguồn vật liệu cát rất quan trọng để bảo đảm cho đúc thép, nhưng cát ở các dòng suối xung quanh hạt không đủ to lại nhiều tạp chất nên độ chịu nhiệt kém, cán bộ, công nhân của Xưởng đã phải tìm nguồn cát ở nơi xa vận chuyển về. Vượt qua khó khăn, gian khổ, đói rét, trong hơn một năm, chỉ với 13 người, Phân xưởng đúc đã sản xuất thép bằng lò điện hồ quang, cung cấp cho chiến trường 25.000 sản phẩm quân cụ phục vụ công binh và dân công hỏa tuyến mở đường cho bộ đội hành quân, kéo pháo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá, ThS. NGÔ NHẬT DƯƠNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: