Tin tổng hợp

CNQP&KT - Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 169/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Chiến lược ra đời đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khoảng không vũ trụ.

Khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng phát triển, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN vũ trụ. Trên thế giới, tiếp tục xuất hiện các cuộc chạy đua mới để chinh phục không gian vũ trụ. Việc các quốc gia đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển KH&CN vũ trụ đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khoảng không vũ trụ. Các công nghệ như điều hướng vệ tinh, quan sát mặt đất và truyền thông tin sẽ trở thành một phần tích hợp trong hoạt động quân sự, quốc phòng của quốc gia. Bên cạnh những tác động tích cực, việc nghiên cứu, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ có thể dẫn đến những tác động tiêu cực như rác thải vũ trụ, chạy đua vũ trang trên vũ trụ, sử dụng vũ trụ vào các mục đích quân sự và tranh chấp sử dụng khoảng không vũ trụ... Không gian chiến tranh sẽ mở rộng cả trên không, trên bộ, trên biển, trên không gian mạng và vũ trụ; đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Vì thế, trong thời gian qua, các cường quốc trên thế giới đã đẩy mạnh nghiên cứu và thành lập lực lượng vũ trụ quốc gia. Tiêu biểu như lực lượng vũ trụ Nga từng tồn tại trong khoảng thời gian từ 1992-1997 và được tái lập năm 2015 như một nhánh của Lực lượng Không quân - Vũ trụ của nước này, có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Năm 2019, Mỹ cũng chính thức thành lập Lực lượng Không gian với mục tiêu chủ yếu là bảo vệ các lợi ích của quốc gia này trong không gian vũ trụ.

Ở nước ta, việc nghiên cứu, triển khai các hoạt động vũ trụ cũng như tham gia một số điều ước quốc tế liên quan đến sử dụng khoảng không vũ trụ đã sớm được tiến hành. Việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng trời quốc gia được ghi nhận và khẳng định trong nhiều luật và Hiến pháp. Năm 1979, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 454-CP ngày 27/12/1979 về việc thành lập Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1984, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có tuyên bố về vùng trời Việt Nam. Tại Điều 1, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, chỉ rõ: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Khoản 5, Điều 5:  “Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời”.

 

“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

 (Nguồn: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010”; “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”; “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”. Đồng thời, thành lập Viện Công nghệ vũ trụ; Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Một số viện nghiên cứu, trường đại học thành lập ngành khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh, nghiên cứu chuyên sâu về vũ trụ, nhất là vật lý vũ trụ và công nghệ vũ trụ. Tập trung nghiên cứu theo các hướng như viễn thám - quan sát Trái Đất; công nghệ vệ tinh và vật lý thiên văn. Quan điểm, mục tiêu của các chiến lược đều xác định rõ là phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Mới đây nhất, Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu phải “có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”1.

Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ, sử dụng khoảng không vũ trụ sẽ góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các loại vệ tinh do thám hình ảnh, do thám tín hiệu, thông tin liên lạc, định vị dẫn đường, hỗ trợ phòng thủ… được sử dụng rộng rãi sẽ tạo thành nhân tố quan trọng của hoạt động quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì thế, phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ ở Việt Nam hiện nay là nhu cầu cấp thiết, khẳng định vị thế của quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiện thực hóa chiến lược với một hệ thống nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ là: Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường; hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức về KH&CN vũ trụ.


Vị trí vệ tinh MicroDragon của Việt Nam khi thực hiện chụp ảnh thử nghiệm lần đầu tiên ở độ cao khoảng 512km.      Ảnh: CTV

Tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 4/12/2021 ban hành “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”,  Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng có trách nhiệm “theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia”2. Trong đó, Bộ sẽ chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ như: Xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển năng lực quan sát Trái Đất phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia” và Đề án “Phát triển năng lực định vị dẫn đường quốc gia”; thúc đẩy phổ biến, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trong không gian vũ trụ; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia khi xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Chiến lược này.

“Công nghệ vũ trụ là một lĩnh vực công nghệ cao được hình thành nhờ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau nhằm tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất...”.

      (Nguồn: Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khoảng không vũ trụ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; nhất là những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam. Trong bài viết: “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả”, Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Về không gian chiến tranh cũng mở rộng hơn, trên tất cả các môi trường: trên không, trên bộ, trên biển, không gian mạng, phổ điện từ, vũ trụ”. Trong bài viết: “Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận quốc phòng, quân sự trong điều kiện mới”, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ rõ: “Cần phát triển đồng bộ, toàn diện lý luận về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; về các môi trường tác chiến cả trên bộ, trên không, trên biển, trên không gian mạng và vũ trụ... Sớm nghiên cứu, dự báo tình hình về tác chiến vũ trụ thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mạng 5G, 6G”.

Như vậy, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khoảng không vũ trụ luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách tích cực, chủ động. Phát triển mạnh mẽ KH&CN, nhất là công nghệ cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) được đầu tư, phát triển ngày càng hiện đại và phấn đấu “trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược”3. Song, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khoảng không vũ trụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là trình độ KH&CN của quốc gia. Do đó, Việt Nam cần chuyển hướng từ công nghệ vũ trụ sang ngành công nghiệp vũ trụ; xây dựng những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ vũ trụ với quy mô ở tầm quốc gia, tập đoàn công nghệ lớn. Tiếp tục quan tâm, đầu tư  phát triển ngành công nghiệp vũ trụ quốc gia nói chung và ngành CNQP Việt Nam nói riêng, nhất là nguồn vốn, cơ chế, chính sách, nhân lực... Ngành CNQP cũng cần nỗ lực phấn đấu, tích cực, chủ động hơn nữa, đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khoảng không vũ trụ.

Đại tá, PGS, TS. HOÀNG VĂN PHAI

Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự - Học viện Chính trị

________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.140.

2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 4/12/2021 của ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030, Hà Nội.

3. Sđd, tr.279.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: