Tin tổng hợp

CNQP&KT - Đồng chí Vương Nhị Chi, người đã bị mất cả hai bàn tay trong quá trình chế tạo vũ khí, đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng các binh công xưởng Quân giới Tây Nam Bộ thời chống Pháp.

Trong quá trình tham gia biên tập đề tài “Nghiên cứu sản xuất vũ khí bộ binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)”, tôi được biết đến đồng chí Vương Nhị Chi, tuy nhiên chưa có điều kiện hiểu sâu về ông. Thật tình cờ, vào cuối năm 2020, tôi được gặp anh Vương Tấn Tiến - là con trai của ông. Qua câu chuyện với anh Tiến, tôi đã thêm hiểu về một cán bộ Quân giới tiền bối mẫu mực, có những đóng góp quan trọng vào việc sản xuất vũ khí của Quân giới Nam Bộ thời chống Pháp.

Tên thật của đồng chí Vương Nhị Chi là Nguyễn Thọ Trản, sinh năm 1913, tại xã Trực Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng từ khi còn rất trẻ. Sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt, giam cầm hết nhà lao này đến nhà lao khác và cuối cùng là bị đày ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Thọ Trản được trả tự do. Theo lời kêu gọi của Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh Nam Bộ, ông đã tình nguyện ở lại Nam Bộ tham gia kháng chiến. Một thời gian sau, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trường Mác - xít,  Bí thư Khu ủy 9... Trên các cương vị công tác khác nhau, ông đã cùng cấp ủy các cấp đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm nòng cốt để lãnh đạo quần chúng nhân dân ở Tây Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống Pháp.

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, dải đất miền Tây Nam Bộ thiếu vũ khí, trang bị, thiếu căn cứ địa an toàn, trong khi các đơn vị vũ trang còn quá non trẻ. Mặc dù, chưa có kiến thức về thuốc nổ, nhưng với quyết tâm làm ra vũ khí cho bộ đội đánh giặc, Nguyễn Thọ Trản đã tự mày mò, chế thử lựu đạn. Cuối năm 1945, trong một lần thử nghiệm, lựu đạn bất ngờ phát nổ, Nguyễn Thọ Trản bị mất cả hai bàn tay. Sau lần tai nạn này, ông được điều về công tác tại cơ quan Khu ủy Khu 9. Cái tên Vương Nhị Chi cũng bắt nguồn từ vụ tai nạn đáng nhớ này.


Sản xuất hóa chất làm vũ khí trong kháng chiến chống Pháp.        Ảnh: TL

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, người bình thường làm việc trong lĩnh vực sản xuất vũ khí đã khó, đối với một người đã không còn cả hai bàn tay như Vương Nhị Chi thì khó khăn gấp trăm lần. Không còn bàn tay nhưng còn khối óc, ông đã vượt qua bao khó khăn, vất vả đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi chiến sự lan rộng, yêu cầu cung cấp vũ khí cho quân dân Khu 9 càng cấp bách nên ngoài các binh công xưởng do Bộ Tư lệnh Khu 9 quản lý, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang đều tổ chức xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí. Đồng chí Vương Nhị Chi và Mai Văn Hay được giao phụ trách binh công xưởng ở Kiên Giang, có nhiệm vụ sản xuất lựu đạn, sửa chữa súng và nhồi lắp đạn… Ngày 23/6/1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ bổ nhiệm đồng chí Vương Nhị Chi làm Trưởng Phân phòng Quân giới Nam Bộ. Trên cương vị mới, ông đã tập hợp được trí tuệ của cán bộ, công nhân Quân giới, bố trí đúng người, đúng việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí của Quân giới Khu 9. Tháng 7/1953, Phân phòng Quân giới Nam Bộ tại miền Tây đổi thành Phòng Quân giới Phân liên khu miền Tây, ông được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Phân liên khu miền Tây.

Sau khi đảm nhận trọng trách, ông đã chỉ đạo sắp xếp lại các xưởng Quân giới cho phù hợp với điều kiện thực tế, như: sáp nhập Binh công xưởng 130 và 136, Binh công xưởng 131 và 138, Binh công xưởng 132 và Xưởng Long Châu Hà, Binh công xưởng 133 và Xưởng Bạc Liêu... hình thành 9 binh công xưởng (134, 135, 139, 140, 141, 143, 145, 146, 147) và 3 xưởng dân quân các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Châu Hà. Để có nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí, tại các binh công xưởng của trung đoàn, tỉnh đội, ông đã chỉ đạo Trường Kỹ thuật Khu 9 mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật, các lớp bổ túc văn hóa tập trung cho cán bộ phụ trách từ tổ, kíp trở lên.

Đồng chí Vương Nhị Chi đã chỉ đạo các binh công xưởng của Quân giới miền Tây Nam Bộ đẩy mạnh sản xuất những vũ khí hỏa lực mạnh như đạn AT, súng đạn cối 81mm, SKZ theo mẫu của Cục Quân giới; SSAF và SSB theo mẫu của Phòng Quân giới Nam Bộ.

Về nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vũ khí, ông chỉ đạo Quân giới miền Tây tiếp tục phát triển nhiều hình thức: mua sắm vật tư, thiết bị; vận động nhân dân đóng góp; tổ chức thợ lặn tìm kiếm, trục vớt tàu bị chìm dưới lòng sông; đào “bom lép” của địch ném xuống để lấy thuốc nổ... Đặc biệt, ông đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật khai thác phân dơi tại núi Mô Xơ (Hà Tiên, Kiên Giang) để chế diêm tiêu dùng làm thuốc đen và dây cháy chậm cho lựu đạn; giao nhiệm vụ cho Binh công xưởng 139 nghiên cứu sản xuất axít sunfuaric (H2SO4) để điều chế fuminát thủy ngân phục vụ chế thuốc kích nổ.

Bên cạnh đó, ông còn chỉ đạo các binh công xưởng của Quân giới miền Tây áp dụng hợp lý hóa, cơ giới hóa vào sản xuất, như: phương thức ép dập theo quy trình sản xuất vỏ đạn hoàn chỉnh; gò, dập, tán các loại mìn, thủy lôi hai vỏ các cỡ, nghiên cứu sản xuất vỏ đạn mới cho súng máy bằng phương pháp tiện dập… Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất những vũ khí hỏa lực mạnh, như: đạn AT, súng đạn cối 81mm, SKZ theo mẫu của Cục Quân giới; SSAF và SSB theo mẫu của Phòng Quân giới Nam Bộ. Nhờ đó, Quân giới miền Tây đã nghiên cứu chế tạo được hầu hết các loại vũ khí, như lựu đạn, mìn (địa lôi, thủy lôi), súng phóng lựu và lựu phóng, súng phóng bom và bom phóng, cối 60mm và 81mm, đạn con, đạn AT, mìn peta (thuốc nổ bánh), Bazoka 60mm và 73mm, SKZ 60mm, SSAF, SSB, thuốc phóng, fuminát thủy ngân, cồn 960... góp phần đáp ứng nhu cầu vũ khí cho chiến trường Nam Bộ.

Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954), ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm làm Phó Ban Công nghiệp Trung ương.

Có thể nói, suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí Vương Nhị Chi đều chăm lo xây dựng và là trung tâm khối đoàn kết. Ông sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, chân thành, nói đi đôi với làm. Đối với công việc, ông luôn tận tâm góp sức cùng các đồng nghiệp xây dựng Quân giới Tây Nam Bộ nói riêng, ngành Quân giới nói chung, từng bước đi vào ổn định và phát triển.

NGÔ NHẬT DƯƠNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: